Bất chấp những khó khăn, nhất là tình trạng lạm phát, thiên tai và sự suy giảm về tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam vẫn đạt những kết quả sáng sủa trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN)… Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào tương lai lâu dài của nền kinh tế Việt Nam.
Trong tháng 10, cả nước có thêm 68 dự án ĐTNN được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD, đưa tổng số dự án được cấp mới 10 tháng qua lên 953 dự án, với tổng vốn đăng ký 58,3 tỷ USD, tăng gần 6 lần về vốn đăng ký mới so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, trong 10 tháng có 247 doanh nghiệp ĐTNN đang hoạt động xin tăng vốn với tổng vốn tăng thêm hơn 1 tỷ USD. Tính chung, vốn cấp mới và tăng thêm trong 10 tháng đầu năm, cả nước đã thu hút 59,31 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký, vượt xa so với mục tiêu ban đầu và so với cùng kỳ của các năm trước. Quy mô trung bình của một dự án đạt hơn 61 triệu USD/dự án là một kỷ lục. Đây là một thành công ngoạn mục của nền kinh tế.
Trong 10 tháng qua, vốn ĐTNN thực hiện đạt 9,1 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ - là mức tăng khá cao và ấn tượng. Khối doanh nghiệp ĐTNN đã thu hút thêm khoảng 16 ngàn lao động, đưa tổng số lao động trong khu vực này là gần 1,5 triệu, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Nhiều địa phương, nhất là các đô thị lớn, giầu tiềm năng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh nhờ sự tác động tích cực của các dự án có vốn ĐTNN. Một sự biến chuyển tích cực đã diễn ra khích lệ hoạt động ĐTNN là một số dựa án quy mô lớn đã khởi công ngay sau khi được cấp phép như: dự án luyện thép Formosa trị giá gần 8 tỷ USD, hay dự án xây dựng Khu đô thị đại học Berjaya Leisure trị giá 3,5 tỷ USD…
… nhưng vẫn còn đó những hạn chế
Việc thu hút được lượng vốn ĐTNN lớn như trên là sự minh chứng cho những giải pháp và chính sách của Chính phủ thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Cộng đồng nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao sự ổn định của môi trường đầu tư kinh doanh và coi Việt Nam là địa bàn đầu tư tin cậy. Đặc biệt, cộng đồng nhà đầu tư rất tin tưởng vào triển vọng KT-XH Việt Nam trong giai đoạn trung và dài hạn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà quản lý, mặc dù vốn ĐTNN trong 10 tháng qua tăng mạnh nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là vốn thực hiện vẫn còn thấp so với vốn cam kết; còn có sự mất cân đối ngành nghề, vùng lãnh thổ, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản còn ít. ĐTNN vẫn chủ yếu tập trung vào những vùng kinh tế trọng điểm; ngành công nghiệp phụ trợ chưa thu hút được nhiều vốn ĐTNN. Nguyên nhân do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế VN từ đầu năm 2008 đến nay: Giá vật tư quan trọng cho sản xuất tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng, tổng kim ngạch nhập khẩu và nhập siêu tăng cao, tổng dư nợ của nền kinh tế đều tăng cao hơn nhiều so với các năm trước, cùng với đó là thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh..., đặc biệt là phải chịu tác động không nhỏ do suy thoái kinh tế toàn cầu. Về nguyên nhân nội tại, đó kết cấu hạ tầng của Việt Nam quá kém, thủ tục hành chính rườm rà, nguồn nhân lực trình độ cao thiếu hụt trầm trọng không đáp ứng được yêu cầu của các làn sóng đầu tư…
Đưa hoạt động đầu tư vào thực chất
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ đang cùng các bộ, ngành và địa phương phối hợp thực hiện chỉ đạo của Chính phủ triển khai đồng bộ một số giải pháp nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả vốn ĐTNN trong thời gian tới. Theo đó, hệ thống luật pháp và cơ chế chính sách phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế sẽ được tập trung hoàn thiện. Cải cách hành chính theo cơ chế "một cửa" trong việc giải quyết thủ tục đầu tư cũng sẽ được tiến hành mạnh mẽ, nhằm triển khai đề án thúc đẩy giải ngân vốn ĐTNN; tập trung các nguồn lực để đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, cảng biển... chú trọng công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp ĐTNN nói riêng. Bộ cũng tập trung điều chỉnh các quy hoạch ngành theo hướng phù hợp với những thỏa thuận và cam kết quốc tế, trong đó chú trọng chất lượng công tác dự báo, tính khả thi và định hướng cho nhà đầu tư… Thực hiện tốt công tác tham mưu trong việc duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo Chính phủ, các bộ, địa phương với cộng đồng nhà đầu tư, từ đó kịp thời giải quyết những khó khăn nảy sinh... nhằm đưa hoạt động này vào thực chất, nhanh chóng đưa từng đồng vốn vào sản xuất - kinh doanh, tạo ra sản phẩm xã hội.