Từ đầu năm đến nay, hoạt động đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) của các DN Việt Nam vẫn diễn ra theo hướng chủ động, với hơn 50 dự án thông qua tổng vốn đăng ký hơn 500 triệu USD.
Các dự án ĐTRNN chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, với 24 dự án và 239 triệu USD vốn đầu tư (chiếm 46% tổng số dự án và hơn 75% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ: 21 dự án và 166 triệu USD vốn đầu tư; chiếm tỷ trọng thấp nhất cả về số dự án cũng như lượng vốn đầu tư là nhóm dự án thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Cộng đồng DN của ta đang đầu tư vào 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Lào là địa điểm tiếp nhận nhiều vốn đầu tư nhất, tiếp theo là Cam-pu-chia. Tính chung, đến nay các DN Việt Nam đã có 317 dự án ĐTRNN còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư hơn 2,5 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 1 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 40% tổng vốn đầu tư). Đáng lưu ý, có một số DN đã "len" được vào những lĩnh vực quan trọng như dầu khí, hóa chất, chế biến thực phẩm, ngân hàng, du lịch... Trong đó, có những dự án khá lớn về thăm dò, khai thác, hoặc lọc hóa dầu với đối tác ở An-giê-ri, Vê-nê-xu-ê-la... hay dự án xây dựng công trình thủy điện ở Lào.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, lượng vốn ĐTRNN nói trên còn rất nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu là DN ta còn yếu về sức cạnh tranh, thời gian vươn ra thế giới chưa lâu nên thiếu kinh nghiệm, còn hạn chế về vốn và công nghệ, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Theo Bộ KH-ĐT, thời gian tới, khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào đời sống kinh tế quốc tế, cùng với việc Chính phủ ban hành thêm những văn bản, quy định khuyến khích hoạt động ĐTRNN, xu hướng đầu tư sẽ tiếp tục gia tăng đáng kể và chủ động hơn. Các DN của ta sẽ tiếp cận, sử dụng có hiệu quả những nguồn lực sẵn có của những địa điểm tiếp nhận đầu tư như lao động, trình độ công nghệ, thị trường và cơ hội giao lưu kinh tế bản địa. Năm 2008, lượng vốn ĐTRNN (kể cả các dự án xin tăng vốn) ước đạt khoảng 800 triệu USD, trong đó riêng vốn thực hiện đạt 50%. Bộ KH-ĐT cũng nhận định, mức vốn ĐTRNN trong năm 2009 sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD.
Được biết, Bộ KH-ĐT đang soạn thảo trình Thủ tướng phê duyệt Đề án "Hỗ trợ và thúc đẩy DN Việt Nam ĐTRNN", kèm theo những hướng dẫn, ưu đãi cụ thê, nhằm khuyến khích hoạt động này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xem xét việc đàm phán, ký kết các hiệp định bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế trùng giữa Việt Nam và một số nước. Các DN ĐTRNN cũng được khuyến cáo nên bám sát hoạt động của các cơ quan ngoại giao, đại diện thương mại của ta ở các nước để tranh thủ sự tư vấn tại chỗ, kết hợp điều tra thị trường, triển khai dự án cụ thể. Hiện tại, một số DN cũng mong cơ quan chức năng có chính sách phù hợp và đặc thù về lương đối với các chuyên gia, nhà quản lý giỏi làm việc trong dự án ĐTRNN để thu hút nhân tài, kết hợp hoạt động đào tạo nhân công tay nghề cao...