Đầu tư vào Thái Nguyên: Mở hướng đi lên

11:06, 21/12/2008

Từ ngày 4 đến 6 /1 -/2009, Thái Nguyên tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư đặc biệt. Đây là dịp để các nhà đầu tư biết đến Thái Nguyên với những thế mạnh, tiềm năng cũng như các cơ chế chính sách, những dự án trọng điểm ưu đãi đầu tư, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới…

Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Quốc Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Hội nghị xúc tiến đầu tư đặc biệt "Thái Nguyên - tiềm năng và cơ hội đầu tư".

 

P.V: Xin đồng chí cho biết một số tiềm năng thế mạnh của tỉnh nhà?

           

Đồng chí Hoàng Quốc Vượng: Thái Nguyên nằm tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, là cửa ngõ giao lưu kinh tế - văn hóa giữa vùng trung du, miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ, lại được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và đất đai với nhiều loại khoáng sản quý, như: Than, quặng sắt, thiếc, titan, vonfram… Nằm ở vị trí trung tâm của vùng trung du miền núi Bắc bộ nên tỉnh có hệ thống giao thông đa dạng, phong phú: đường bộ, đường sắt, đường sông: như  QL3; QL1B; QL37; đường sắt Hà Nội Thái Nguyên; Thái Nguyên Kép; Thái Nguyên đi Núi Hồng; Sông Cầu, Sông Công… Thái Nguyên còn là Trung tâm đào tạo lớn thứ 3 trong cả nước với 21 trường đại học, cao đẳng, trung học trong đó có 6 trường đại học với số lượng học sinh, sinh viên gần 100.000. Thái Nguyên còn được biết đến với hệ thống các bệnh viện như bệnh viện Trung ương, Bệnh viện Lao . đáp ứng cơ bản nhu cầu chữa bệnh của nhân dân trong khu vực.

 

Thái nguyên còn là vùng đất chè nổi tiếng trong cả nước với trên 16000 ha chè  với các thương hiệu chè nổi tiếng như chè Tân Cương, chè Kim Anh… Thái Nguyên còn được biết đến với nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp về khai khoáng, luyện kim, cơ khí, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng… như khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên được xây dựng từ những năm 1960 là nơi sản xuất thép từ quặng duy nhất ở Việt Nam…

 

Những tiềm năng và thế mạnh trên đang tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, là điều kiện để hình thành các dự án đầu tư có quy mô lớn, mang lại sự đổi thay về kinh tế, xã hội cho tỉnh ta.

 

P.V: Thái Nguyên đã có những bước phát triển khá rõ nét: Các khu, cụm công nghiệp được xây dựng, các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ, khu đô thị mới được hình thành… tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Vậy, xin đồng chí cho biết rõ hơn về một số kết quả thu hút đầu tư vào tỉnh những năm gần đây?

 

Đồng chí Hoàng Quốc Vượng: Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, những tiềm năng của Thái Nguyên dần được đánh thức, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Bằng những chính sách khuyến khích đầu tư, các thủ tục hành chính được cải thiện, Tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư  tới  đầu tư vào Thái Nguyên. Tổng số dự án đã và đang được xây dựng tại Tỉnh lên tới gần 150 dự án với tổng vốn đăng ký gần 50.000 tỷ đồng, trong đó năm 2008 số vốn thực tế đã đầu tư vào các dự án đạt khoảng 6.500 tỷ đồng, như: Tập đoàn Vinasuki, Tập đoàn Lệ Trạch - Đài Loan, Công ty cổ phần Long Việt… Các dự án đầu tư rất đa dạng về ngành nghề và quy mô hầu như trong mọi lĩnh vực: công nghiệp; nông nghiệp, du lịch, thương mại, sinh thái ….

 

P.V: Với những lợi thế sẵn có, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư vào những lĩnh vực gì?

 

Đồng chí Hoàng Quốc Vượng: Có thể nói mọi lĩnh vực đều có những cơ hội đầu tư tốt cho các nhà đầu tư. Các dự án cũng rất đa dạng về quy mô vốn, trình độ công nghệ… vì thế các tập đoàn, các công ty, thậm chí các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn có thể tìm thấy cơ hội đầu tư tại Thái Nguyên. Tuy nhiên, để có thể nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Tỉnh ưu tiên các nguồn lực của mình để phát triển những khu công nghiệp, các khu du lịch, sinh thái lớn tại những địa phương có vị trí địa lý thuận lợi. Cụ thể, đó là các dự án kết cấu hạ tầng như hạ tầng giao thông; kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp; các ngành luyện kim; chế tạo máy; công nghệ tin học; điện; điện tử; công nghiệp chế biến nông lâm sản; các khu du lịch; thương mại; lĩnh vực giáo dục - đào tạo; y tế; …

 

Đối với năm 2009, với chủ đề đó được Ban chấp hành Tỉnh đảng Bộ, Hội đồng nhân dân thông qua là năm “Tập trung phát triển hạ tầng kinh tế xă hội, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là khâu đột phá; tiếp tục đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính để  thu hút đầu tư ”, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Thái Nguyên chắc chắn sẽ là điểm đến đầy hứa hẹn đối với các nhà đầu tư.

 

P.V: Vậy, các chính sách ưu đãi nào sẽ được áp dụng để thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh?

 

Đồng chí Hoàng Quốc Vượng: Nếu chỉ dựa vào chính sách ưu đãi, cụ thể là ưu đãi về giá đất, giá thuê đất, các loại thuế … thì chúng ta rất khó thu hút các nhà đầu tư vì các tỉnh khác cũng có những ưu đãi không kém tỉnh ta. Vì vậy, tôi nghĩ điều quan trọng đối với các nhà đầu tư chính là các thế mạnh và tiềm năng của tỉnh để qua đó các nhà đầu tư có thể tìm được các dự án tốt để đầu tư. Ngoài ra, chúng ta phải đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, coi đây là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư, sẵn sàng cắt bỏ những trình tự, thủ tục rườm rà, gây khó cho doanh nghiệp để giảm thiểu các chi phí trung gian, đặc biệt là chi phí về thời gian trong đầu tư với tâm niệm sự thành công của doanh nghiệp chính là sự thành công của mình.

 

           

P.V: Có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân cho rằng tỉnh đã có những cải thiện trong đầu tư, song để môi trường đầu tư của tỉnh thực sự hấp dẫn thì  rất cần có bước đột phá?

 

Đồng chí Hoàng Quốc Vượng: Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, môi trường đầu tư của Tỉnh trong những năm qua đã được cải thiện rất nhiều. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư. Những cơ chế, chính sách này thực tế đã mang lại những kết quả không nhỏ như đã nêu ở trên. Tuy nhiên, cuộc sống luôn thay đổi, đặc biệt là trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay khi tất các địa phương đều trăn trở để phát triển thì Thái Nguyên, một tỉnh với sứ mạng là Trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ vẫn phải tiếp tục khám phá, tìm kiếm những giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, những giải pháp để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên cả 4 nội dung: cải cách thể chế; cải cách bộ máy; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; cải cách tài chính công, tỉnh đang tập trung hoàn thành công tác quy hoạch phát triển các lĩnh vực, ngành nghề cho giai đoạn từ nay tới 2015 có xét đến 2020; tăng cường công tác quản lý, thực hiện quy hoạch; nâng cao chất lượng công tác kế hoạch dài hạn, ngắn hạn; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, giao đất nhanh gọn cho nhà đầu tư…

 

Tôi tin rằng với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chúng ta sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước. Kinh tế xã hội của tỉnh sẽ phát triển, xứng đáng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Thái Nguyên sẽ thật sự là Trung tâm  kinh tế, văn hoá, giáo dục và y tế của vùng Trung du Miền núi Bắc Bộ.

 

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!