Hơn 4.000 dự án chậm tiến độ đầu tư

16:15, 04/12/2008

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), trên cơ sở tổng hợp số liệu báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương và Tổng công ty, trong năm 2008 đến ngày 10/11 đã có 4.241 dự án vi phạm các quy định về quản lý đầu tư trong đó vi phạm phổ biến nhất là chậm tiến độ.

Các vi phạm chậm tiến độ lên đến 4.064 dự án, chiếm khoảng 17,7% so với tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ; các sai phạm khác như: không phù hợp với quy hoạch 87 dự án (0,4%), đấu thầu không đúng quy định 21 dự án (0,1%), phê duyệt không kịp thời 44 dự án (0,2%), chất lượng xây dựng thấp 43 dự án (0,2%), có lãng phí 61 dự án (0,3%).

Nguyên nhân của tình trạng chậm tiến độ dự án năm 2008 chủ yếu là do biến động giá vật liệu xây dựng nên các dự án phải làm các thủ tục điều chỉnh mất nhiều thời gian, mặt khác theo quy định tại Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008 của Bộ Xây dựng chỉ cho phép điều chỉnh dự toán một lần do ảnh hưởng của tăng giá nên các chủ đầu tư và nhà thầu chưa khẩn trương điều chỉnh dự toán mà có tâm lý chờ giá lên mới điều chỉnh. Ngoài nguyên nhân chính nêu trên, việc chậm tiến độ dự án là do đền bù giải toả khó khăn, tư vấn yếu kém hoặc quá tải, một số đơn vị thi công không đủ năng lực; năng lực tổ chức thực hiện của chủ đầu tư yếu; cơ quan thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật, đấu thầu kéo dài; bố trí vốn không đủ, thanh quyết toán chậm, chuẩn bị thủ tục đấu thầu và xét thầu kéo dài và sự yếu kém của chủ đầu tư..

Theo Bộ KH-ĐT, tình trạng chậm tiến độ vẫn chưa đ¬ược khắc phục, còn có xu hướng tăng hơn so với các năm trước. Qua tổng hợp, tỷ lệ các dự án chậm tiến độ khoảng 17,7%, trong đó có nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng (theo số liệu thống kê qua báo cáo chưa đầy đủ của các Bộ, ngành, địa phương, tỷ lệ các dự án chậm tiến độ năm 2007 là 14,8%, năm 2006 khoảng 13,1%).

Đây là vấn đề cần được quan tâm, vì chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư của các dự án.