Theo dự báo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, nguồn vốn ODA cam kết dành cho Việt Nam trong 2 năm tới sẽ vẫn tiếp tục được duy trì như mức hiện nay và có thể tăng nhẹ do một số nhà tài trợ mở rộng các kênh tín dụng mới cho Việt Nam, dù kinh tế thế giới có nhiều biến động và nhiều nước tài trợ chủ chốt gặp khó khăn.
Báo cáo tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ diễn ra ngày 4/12, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng nhận định việc các nhà tài trợ luôn đưa ra mức cam kết ODA cho Việt Nam năm sau cao hơn năm trước, kể cả khi thế giới có xu hướng cắt giảm mạnh nguồn vốn này, đã cho thấy sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với chủ trương, chính sách của Việt Nam.
Trong 3 năm qua, từ năm 2006 đến 2008, tổng vốn ODA các nhà tài trợ cam kết dành cho Việt Nam đạt trên 13,6 tỷ USD, trong đó năm 2007 đạt mức kỷ lục là 5,43 tỷ USD. Thông qua việc ký kết các chương trình, dự án, Việt Nam đã hợp thức hoá được hơn 10 tỷ USD vốn ODA, trong đó vốn vay gần 9,4 tỷ USD, còn lại là viện trợ không hoàn lại.
Cùng với việc gia tăng lượng vốn, cơ cấu vốn ODA ngày càng phù hợp hơn với định hướng sử dụng vốn ODA của Chính phủ Việt Nam. Theo đó, vốn cam kết tập trung vào các ngành lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp với xóa đói giảm nghèo, phát triển năng lượng và công nghiệp, phát triển giao thông, thông tin liên lạc, cấp thoát nước đô thị và y tế, giáo dục.
Nhờ nguồn vốn này, Việt Nam có điều kiện đầu tư nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội, góp phần tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, xoá đói giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân. Thông qua hỗ trợ kỹ thuật, các dự án ODA còn giúp Việt Nam xây dựng và hoàn thiện thể chế, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực.
Một số chương trình, dự án ODA đáng chú ý là Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai hơn 1 tỷ USD, Truyền tải điện miền Bắc mở rộng 360 triệu USD, Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 207 triệu USD, Cải thiện môi trường nước thành phố Huế trên 182 triệu USD, Đường hành lang ven biển phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mekong mở rộng 328 triệu USD.
Tình hình giải ngân nguồn vốn này cũng được đánh giá là đã cải thiện rõ rệt trong 3 năm gần đây, tuy vẫn thấp hơn mức trung bình ở khu vực. Đơn cử như tỉ lệ giải ngân vốn ODA của Ngân hàng thế giới mới đạt 11,6% so với mức 19,4% của khu vực, của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản – JBIC (nay đã hợp nhất với JICA) là 13,6% so với 16,6% của khu vực.
Trong 2 năm tới, Việt Nam đặt mục tiêu giải ngân 2,8 tỷ USD mỗi năm, nhằm thực hiện kế hoạch giải ngân được xấp xỉ 12 tỷ USD trong cả giai đoạn 2006-2010./