Các quỹ một thời góp phần tạo nên làn sóng đầu tư gián tiếp vào Việt Nam đang rơi vào giai đoạn khó khăn nhất từ trước tới nay: lỗ lớn, thiếu tiền mặt, gọi vốn hay lập quỹ mới đều nan giải. Điểm bùng nổ của thị trường đã diễn ra, nhưng điểm tan vỡ vẫn chưa biết là đâu.
Không chỉ mất giá NAV, những quỹ này đã giải ngân phần lớn số tiền mà họ huy động được trong năm 2006-2007. Đại diện một quỹ đầu tư cho biết, chỉ trong 3-6 tháng nữa là các quỹ sẽ cạn tiền. Trong khi đó, huy động vốn hay gây quỹ mới vào thời điểm này là rất khó khăn.
Theo ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Saigon Asset Management (SAM), một nhà đầu tư mới đây đã huy động 1 tỷ USD cho 6 quỹ tại Việt Nam và tuyên bố rằng, trong 6 tháng qua, chưa một quỹ nào tại Việt Nam huy động thành công, nên "1 tỷ USD này là quỹ chót". Ông Louis Nguyễn cho rằng, số lượng quỹ cũng như tiền huy động được trong năm 2009 sẽ giảm rất nhiều so với 2 năm trước.
Ông Dominic Scriven, Giám đốc Dragon Capital, cho biết một số quỹ đang tái cơ cấu danh mục, tất toán những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận và chuẩn bị huy động thêm vốn bên ngoài. Tuy nhiên, ông cho rằng: "Việc huy động thêm vốn ở thời điểm này tương đối khó khăn. Lạm phát của Việt Nam so với năm ngoái là cao, trong khi chỉ số P/E chung của thị trường niêm yết là 20-30, không thực sự hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Những yếu tố này sẽ rất khó thuyết phục nhà đầu tư bỏ thêm tiền".
Hai công ty tài chính có hỗ trợ lớn cho các quỹ tại Việt Nam là CLSA và JP Morgan cũng đã ngừng nhiều hoạt động do khủng hoảng tài chính tại Mỹ. Với tình hình khó khăn như hiện nay, đa số các quỹ phải thận trọng khi tái cơ cấu danh mục đầu tư. Họ chỉ bán ra những cổ phiếu đã có lời, hoặc triển vọng mang lại lợi nhuận không còn cao như trước. Việc Dragon Capital bán ra cổ phiếu CAN hay TAC là một minh chứng. Tương tự như vậy, VinaCapital bán ra 4 triệu cổ phiếu HPG trong tổng số hơn 14 triệu mà họ đang nắm giữ.
Theo ông Nguyễn Hải Hà, Giám đốc đầu tư Quỹ Hanoi Fund, hiện có rất nhiều chứng chỉ quỹ đang được giao dịch dưới NAV. Việc này là do nhà đầu tư bán ra chứng chỉ quỹ khiến giá đi xuống, tương tự như khi họ bán ra cổ phiếu. "Chứng chỉ quỹ được giao dịch sâu dưới NAV tạo ra nhiều sức ép cho các công ty quản lý quỹ. Rủi ro bị thôn tính là rất lớn, vì các đối thủ chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ hơn số vốn ban đầu của quỹ là có thể thu gom chứng chỉ quỹ và thôn tính. Tất nhiên việc này chỉ có thể xáy ra nếu có người chấp nhận bán", ông Hà nhận định.
Hầu hết quỹ tại Việt Nam là quỹ đóng nên không phải đối mặt với rủi ro rút tiền hàng loạt. Tuy nhiên, NAV của các quỹ đã giảm quá lớn và bất lợi, nên có thể làm gia tăng khả năng nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ngắn hạn ra khỏi thị trường Việt Nam.
Nhiều nhà quản lý quỹ cho rằng, lợi thế thu hút vốn đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã thua các nước trong khu vực. Lý do là tại nhiều khu vực chỉ số P/E của các công ty chỉ là 3-7, trong khi nhiều công ty Việt Nam vẫn còn 20-30. Do đó, đầu tư tại nhiều thị trường khác vẫn có lợi nhuận hơn, mặc dù tiềm năng của Việt Nam vẫn tốt. Chính vì vậy, bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam không còn hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư hiện nay đang kỳ vọng đến giữa năm sau khi thông tin rõ ràng thì tình hình có thể khả quan hơn dù thị trường lên hay xuống.
Ông Hoàng Xuân Chính, Giám đốc Quỹ Enterprise Fund II (Mekong Capital) vẫn lạc quan cho rằng, các quỹ tại Việt Nam còn có nhiều cơ hội để cạnh tranh với các nước khác trong khu vực như Thái Lan hay Philipines hoặc thậm chí Trung Quốc. Điều này có thể đạt được nếu các giải pháp kích cầu thị trường nội địa có hiệu quả, kiểm soát được những rủi ro của hệ thống ngân hàng do tỷ lệ nợ xấu bắt nguồn từ bong bóng thị trường nhà đất và những khoản đầu tư kém hiệu quả, để đạt được mức tăng trưởng GDP như kỳ vọng.