Nhà đầu tư cần cảnh giác với cổ phiếu của những doanh nghiệp bị lỗ do sử dụng đòn bẩy tài chính kém hiệu quả, mất khả năng kiểm soátVốn vay được xem là đòn bẩy tài chính giúp doanh nghiệp (DN) tăng thêm hiệu quả hoạt động kinh tế, nhưng nó cũng có thể trở thành gánh nặng đè DN xuống sâu. Khi các báo cáo tài chính năm 2008 được đưa ra, nhà đầu tư mới tá hỏa vì thấy các khoản lỗ lớn của nhiều DN đa phần có nguồn gốc từ việc sử dụng vốn vay kém hiệu quả.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Vận tải dầu khí Vinashin (mã chứng khoán VSP) có tổng tài sản gần 4.000 tỉ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu hơn 1.600 tỉ đồng và nợ gần 2.400 tỉ đồng). Số vốn khá lớn này VSP đầu tư vào nhiều lĩnh vực, trong đó chủ yếu dùng mua sắm phát triển đội tàu vận tải biển có số lượng gần chục chiếc, với tổng trọng tải khoảng 300.000 DWT (tấn). Do quan niệm mua tàu cũ kinh doanh hiệu quả nên trong đội tàu của VSP có 7 chiếc đóng từ năm 1981 – 1985. Nghĩa là tuổi thọ của những chiếc tàu này đã từ 24 đến 28 năm. Trong đó, có 3 chiếc tàu “già” cỡ lớn, chở hàng rời, trọng tải từ 63.000 - 68.000 DWT/chiếc (chiếm 2/3 tổng trọng tải đội tàu) mới mua vào nửa đầu năm 2008.
Thời điểm mua 3 chiếc tàu lớn này giá thép và giá cước vận tải trên thế giới đang ở đỉnh cao nên giá tàu biển cũng rất cao. Nhưng từ cuối năm 2008 đến nay, do khủng hoảng và suy thoái kinh tế trên toàn thế giới nên cước vận tải biển đã giảm hơn 80% và giá thép giảm 70%, theo đó giá tàu biển cũng xuống theo. Ông Đào Công Khanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại – Vận tải Biển Bắc, cho biết hiện giá tàu biển đã giảm khoảng 50% - 60%. Đặc biệt những chiếc tàu “già” vì dễ gặp rủi ro nên nhiều nước cấm tàu trên 10 tuổi vào cảng, do đó giá tàu “già” càng rớt thê thảm.
Việc VSP mua tàu vào thời điểm không thuận, tuy lúc đầu mang lại hiệu quả kinh tế nhờ cước vận tải còn cao, nhưng nay tình thế đã đổi chiều thì đòn bẩy tài chính đang tạo nên gánh nặng kép, bởi ngoài việc phải trả lãi vay hằng tháng, nguồn thu cước vận tải thấp, giá trị tài sản đội tàu còn bị giảm mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2008, VSP công bố lãi 352 tỉ đồng nhưng trong quý IV/2008 đã bị lỗ 58 tỉ đồng. Do nền kinh tế còn suy thoái nên trong quý I/2009 có thể tình hình tài chính của VSP vẫn chưa thể cải thiện.
Lỗ nặng vì trượt giá ngoại tệ
Một số DN niêm yết sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều để đầu tư nhưng lại không lường hết những rủi ro phải đối mặt nên khi thị trường biến động thì trở tay không kịp. Ngoài việc vay vốn nội tệ, một số đơn vị còn vay ngoại tệ giá trị lớn để đầu tư, mua trữ nguyên liệu, kinh doanh. Khi thị trường ngoại tệ biến động mạnh thì ngoài việc trả lãi thông thường, DN còn phải gánh chịu thêm hậu quả trượt tỉ giá, mà điều đó có khi gây nên tổn thất rất lớn.
Trước đây, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã chứng khoán PPC) vay vốn của Nhật trị giá 36,2 tỉ yen (hiện tương đương 400 triệu USD) để đầu tư kinh doanh. Năm 2008, Nhà nước quy định các DN phải trích dự phòng tài chính khi ngoại tệ tăng giá. Vì kinh tế suy thoái, đồng yen tăng giá nên PPC phải bù một số tiền cực lớn do tỉ giá đồng yen trượt mạnh, làm cho công ty bị lỗ hơn 1.000 tỉ đồng trong quý IV/2008. Tuy nhiên, nhờ 3 quý đầu năm có lãi nên cộng chung cả năm 2008, PPC chỉ bị... lỗ 207 tỉ đồng.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, trong bối cảnh kinh tế còn suy thoái, nhà đầu tư cần cảnh giác với cổ phiếu của những DN bị lỗ do sử dụng đòn bẩy tài chính kém hiệu quả, mất khả năng kiểm soát. Những DN bị lỗ trong quý IV vừa qua vẫn dễ dàng bị lỗ trong quý I sắp tới, bởi sự khó khăn hiện tại còn gay gắt hơn thời gian trước đây.