Thị trường may mặc nội địa: Nhiều cơ hội, thiếu đầu tư

14:12, 18/02/2009

Suốt một thời gian dài tập trung chủ yếu vào hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp (DN) dệt may (DM) trong nước hầu như chưa coi trọng thị trường nội địa, trong khi đã có hơn 140 thương hiệu nước ngoài có mặt tại Việt Nam, cùng lượng lớn hàng nhái đồ hiệu Trung Quốc.

Khi nhận thức rõ tầm quan trọng của thị trường nội địa với hơn 80 triệu dân là thị trường giàu tiềm năng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, xuất khẩu khó khăn, các DN đã đầu tư cho việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quảng bá. Song để có thể đứng vững trên thị trường nội địa trong bối cảnh yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, DN cùng nhà thiết kế (NTK) cần nghiên cứu một cách bài bản về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Hiện nay, khách hàng tiêu dùng thời trang có thể tạm chia làm 3 nhóm: nhóm có thu nhập thấp thường sử dụng hàng may sẵn, rẻ tiền nhưng nhanh hỏng; nhóm có thu nhập cao sử dụng sản phẩm của các hãng thời trang cao cấp; nhóm trung lưu chiếm số lượng khá đông đảo, không chấp nhận lối mặc đại trà, hàng kém chất lượng của Trung Quốc, nhưng lại không quan tâm tới các loại hàng hiệu. Đối tượng này khá khó tính, nhưng lại có nhu cầu lớn về thời trang. Thời trang của họ phải đẹp, độc đáo, sang trọng, lại hợp túi tiền. Phục vụ nhóm khách hàng trung lưu chủ yếu vẫn là các nhà may, cửa hàng thời trang đơn lẻ. Một số DN có tên tuổi đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhóm này, nhưng lại chuyên về thời trang của "phái mạnh" như Việt Tiến, May 10, Thành Công, Nhà Bè... mà chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của "phái đẹp".

Để khai thác thị phần trên "sân nhà" đạt hiệu quả, mới đây Việt Tiến đã mời hàng chục NTK để thiết kế để cho ra những nhãn hiệu thời trang cao cấp theo phân khúc thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của mọi lứa tuổi như Fan-Fciar - dòng sản phẩm thời trang công sở dành cho nam giới, Manhattan - dòng sản phẩm công sở dành cho giới trẻ, Smart Casual - thời trang công sở dành cho lứa tuổi trung niên.

Các chuyên gia trong ngành thiết kế thời trang cho rằng, để giành được thị phần nội địa, trước hết DN trong nước cần đầu tư đáng kể cho việc tạo mẫu, chọn vải, nhằm tạo ra những sản phẩm độc đáo, bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, có một vấn đề bất cập là hàng năm đội ngũ thiết kế khá đông được đào tạo từ các khoa thiết kế thời trang tại nhiều trường đại học. Nhưng nguồn nhân lực chuyên nghiệp và làm việc hiệu quả thì chưa nhiều. Nhiều NTK trẻ được đào tạo chính quy, có kiến thức, song chưa được cọ xát với thực tế, vì vậy mẫu thiết kế của họ mới dừng ở trên sàn diễn, khi ra thực tế thì trở nên xa lạ, khó chinh phục người tiêu dùng. Trong khi đó nhiều NTK nghiệp dư nhưng lại tạo ra được nhiều mẫu mã có ấn tượng với khách hàng và trong số đó đã không ít người vươn tới đỉnh vinh quang của ngành thời trang.

Để góp phần kích cầu tiêu dùng ngay trên "sân nhà", DN may mặc rất cần đầu tư để các NTK được đào tạo một cách bài bản về thời trang, về cách khai thác thị trường. Từ đó, thị trường thời trang trong nước sẽ nhanh chóng có được những mẫu thiết kế đẹp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.