Chuẩn bị phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu đô thị, TP HCM dự kiến dùng phần lớn vốn cho những dự án trọng điểm đang được triển khai như hạ tầng giao thông, xây dựng khu đô thị mới và tạo việc làm cho người lao động.
Ba mục tiêu kích cầu đầu tư, tiêu dùng của thành phố là ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động.
Theo đó, ở nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, ngân sách thành phố sẽ tiếp tục dồn cho những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, các dự án không có nguồn thu trực tiếp để trả nợ vay. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ những công trình đòn bẩy như các khu đô thị mới Thủ Thiêm, công nghệ cao, đô thị cảng Hiệp Phước, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên...
Thành phố cũng sẽ miễn, giảm, hoãn, chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản thuế khác theo quy định để doanh nghiệp có thêm vốn tái đầu tư.
Riêng nhóm giải pháp kích cầu tiêu dùng, TP HCM tăng cường hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước. Ngoài ra, chương trình kích cầu còn khuyến khích và tạo điều kiện tăng cường cho vay tiêu dùng; triển khai chương trình nhà ở, cấp tín dụng có hoàn trả với thời hạn cho vay phù hợp; khuyến khích tạo liên kết giảm giá trong chuỗi cung cấp dịch vụ trọn gói cho khách du lịch...
Giao ban với báo chí cùng Sở Thông tin Truyền thông cuối tuần qua, người phát ngôn UBND TP HCM Trương Văn Lắm khẳng định, chương trình kích cầu đầu tư và tiêu dùng của thành phố nằm trong kế hoạch giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Thời kỳ khủng hoảng kinh tế cuối thập niên 90, TP HCM đã vượt qua những khó khăn nhờ áp dụng chính sách cho vay ưu đãi, miễn trả 50-100% lãi suất vay tùy dự án. Theo ông Lắm, nay để chặn suy thoái kinh tế năm 2009, thành phố sẽ chỉnh sửa quy chế kích cầu cũ cho phù hợp tình hình mới, cho vay đúng đối tượng, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho vay đối với các dự án sản xuất kinh doanh, hạ tầng đầu tư kỹ thuật...
"Chủ trương kích cầu đúng nhưng triển khai chậm, không cải tiến thủ tục hành chính thì không hiệu quả", ông Lắm nói.