Việt Nam và Nhật thỏa thuận việc sử dụng ODA

10:16, 25/02/2009

Ủy ban hỗn hợp Việt - Nhật đã đề xuất những biện pháp cần thiết để phòng chống tham nhũng trong các dự án sử dụng vốn ODA từ Nhật, trong đó Việt Nam sẽ tăng cường tính minh bạch trong quá trình chọn thầu và phía Nhật cam kết đẩy mạnh hoạt động giám sát.

Bộ Ngoại giao Nhật hôm 23/2 công bố trên website các giải pháp phòng ngừa tham nhũng do Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản đề xuất. Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Hirofumi Nakasone tuyên bố nước này nối lại hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam.

Văn bản dài 9 trang cho biết, cả hai chính phủ đã đánh giá nghiêm túc sự việc liên quan đến PCI và cho rằng các trường hợp tham nhũng liên quan đến ODA, trong đó có vụ PCI, đều cần được xử lý. Trong hai cuộc họp vào tháng 11 và 12 năm 2008, đại diện hai bên đã thống nhất những biện pháp mỗi bên cần thực hiện để ngăn chặn các trường hợp tương tự.

Trong đó, Việt Nam có 3 nhóm cam kết, gồm thực hiện thủ tục mua sắm công minh bạch và chặt chẽ hơn trong các dự án có vốn ODA từ Nhật; xử lý vụ việc tham nhũng liên quan đến ODA; và củng cố hệ thống chống tham nhũng. Từ nay, sẽ có bên thứ ba đánh giá và thẩm định các hồ sơ thầu tư vấn.

Phía Việt Nam sẽ nâng cao năng lực của các cơ quan thi hành đối với việc mua sắm công và quản lý hợp đồng trong dự án ODA, cùng với đó là đẩy nhanh hoạt động mua sắm điện tử từ năm 2009 đến 2015. Việt Nam phát triển hệ thống này nhằm cải thiện tính minh bạch, chia sẻ thông tin về đánh giá hồ sơ thầu và kết quả bỏ thầu có liên quan đến quá trình mua sắm công.

Mặt khác, phía Việt Nam sẽ công bố thông tin liên quan đến mua sắm công. Trong trường hợp giá trị hợp đồng tư vấn vượt 100 triệu yen, Việt Nam sẽ công bố tên và quốc tịch của các hãng tư vấn dự thầu, những doanh nghiệp có thứ hạng cao, tên doanh nghiệp trúng thầu và giá trị hợp đồng. Tương tự, trong trường hợp giá trị hợp đồng vượt quá 1 tỷ yen, thông tin cần được công bố gồm tên, quốc tịch và giá chào thầu của các đơn vị, doanh nghiệp trúng thầu, các nhà thầu giành được hợp đồng và giá trị hợp đồng. Những thông tin này sẽ được công bố vào quý II năm nay.

Hoạt động hậu kiểm cũng được phía Việt Nam thực hiện, không chỉ với các dự án công trong nước, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) cũng bắt đầu quá trình hậu kiểm các dự án có vốn vay ODA của Nhật trong quý I/2009. MPI sẽ làm việc với Chính phủ Nhật và JICA để quyết định sẽ hậu kiểm tại những dự án nào, nhằm tăng tối đa hiệu quả của hoạt động và chống tham nhũng.

Về việc xử lý vụ việc tham nhũng liên quan đến ODA, phía Việt Nam sẽ lập hệ thống báo cáo, gồm cả biện pháp nhằm bảo vệ người cung cấp thông tin. Việt Nam sẽ thiết lập các quy định về phối hợp hoạt động liên quan tới các cơ quan nhà nước trong việc nhận và xử lý thông tin về các trường hợp nghi vấn tham nhũng trong tháng 6/2009. Bộ luật riêng biệt để bảo vệ nhân chứng, gồm cả người Việt và người nước ngoài dự kiến cũng sẽ được xây dựng vào tháng 6/2010. Ngoài ra, phía Việt Nam sẽ nhanh chóng điều tra về tham nhũng và chia sẻ thông tin với Chính phủ Nhật và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Cam kết cuối cùng của Việt Nam là củng cố hệ thống chống tham nhũng, trong đó chiến lược phòng chống tham nhũng đến năm 2020 sẽ được thực hiện với sự tư vấn của các nhà tài trợ. Dựa trên chiến lược này, Việt Nam sẽ thực hiện Kế hoạch bao gồm phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng vào tháng 6/2009, ban hành quy định về tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến tham nhũng vào cùng thời gian. MPI sẽ xây dựng Bộ quy tắc ứng xử, và các cơ quan có liên quan, đơn vị tư vấn tham gia thầu bắt buộc ký cam kết tuân thủ Bộ quy tắc.

Nhà tài trợ ODA số một của Việt Nam cũng đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn tham nhũng trong các dự án nước này cung ứng vốn vay. Trong đó, khi các cơ quan của Việt Nam thuê đơn vị tư vấn, họ sẽ phải có sự đồng ý từ JICA tại mỗi giai đoạn, gồm gửi thư mời thầu, đánh giá năng lực thầu và đóng thầu. Ngoài ra, về nguyên tắc, JICA có thể thuê chuyên gia bên ngoài để đảm bảo các tài liệu được yêu cầu về sự chấp thuận của JICA sẽ thống nhất với các hướng dẫn có liên quan. JICA cũng có thể yêu cầu phía nhận ODA nộp các tài liệu mà cơ quan này cho là cần thiết.

JICA cũng sẽ mở rộng hoạt động hậu kiểm. Từ nay, JICA sẽ thực hiện hậu kiểm đối với quá trình thuê đơn vị tư vấn. Nếu cần thiết, cơ quan này sẽ tự kiểm tra hồ sơ thầu, với các thông tin về dự án, lý lịch và nhân sự của doanh nghiệp dự thầu... Với các dự án đang thực hiện, nếu cần thiết, JICA cũng sẽ tự tiến hành hậu kiểm, với sự hợp tác của đơn vị nhận vốn ODA.

Phía Nhật sẽ củng cố sự hỗ trợ đối với việc thuê đơn vị tư vấn. Trước đây, trong trường hợp nước nhận ODA thiếu kinh nghiệm, JICA cử chuyên gia hỗ trợ về kỹ thuật trong mua sắm công. Từ nay, với các dự án có giá trị 1 tỷ yen trở lên, JICA đều cử chuyên gia hỗ trợ, dù đơn vị nhận ODA có kinh nghiệm ở mức độ nào.

JICA cũng dự kiến tổ chức các hội thảo, trong đó cung cấp thông tin và trao đổi về chống tham nhũng trong hoạt động mua sắm công và chia sẻ thông tin về những doanh nghiệp có liên quan đến tham nhũng với các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ nước ngoài.

Phía Nhật sẽ hạn chế các hợp đồng được thực hiện theo dạng thỏa thuận. Trước đây JICA chấp chận việc các cơ quan của Việt Nam thuê đơn vị tư vấn thông qua cơ chế thỏa thuận, nếu họ đáp ứng được các điều kiện nhất định. Nhưng từ nay, JICA yêu cầu các trường hợp trên được hạn chế ở một vài trường hợp đặc biệt và áp dụng các quy định chặt chẽ hơn khi giao thầu.