Trong tháng 3/2009, dự án nâng cấp hệ thống các cầu và hệ thống tỉnh lộ, (còn có tên khác là dự án tín dụng ngành giao thông - vận tải), có giá trị khoản vay khoảng 18 tỷ Yên - tương đương 3.510 tỷ đồng - sẽ được triển khai.
JICA đặc biệt quan tâm tới giao thông
Thời gian trước đây, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, chính ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã khẳng định rằng: chắc chắn giao thông vận tải vẫn là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong chính sách hợp tác ODA của Nhật Bản đối với Việt Nam.
Và điều đó đã thể hiện qua hàng loạt các công trình, dự án đã và đang sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản. Qua đó, góp phần không nhỏ vào tăng cường lưu thông và vận chuyển hàng hóa như Quốc lộ 5, 10, 18, cầu Bính, cầu Thanh Trì, cảng Hải Phòng, cảng Cái Lân, cảng Đà Nẵng, hầm Hải Vân, nhà ga Tân Sơn Nhất, đại lộ Đông Tây, hầm qua sông Sài Gòn, cảng Cái Mép - Thị Vải...
Mới đây, theo thông tin của Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, thì tiếp sau dự án trên, một số dự án giao thông có quy mô lớn sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục được ký hiệp định vay vốn bổ sung vào tháng 8/2009.
Trong số này, đáng lưu ý là dự án nâng cấp quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên sẽ được bổ sung thêm khoảng 2.300 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư lên 8.104 tỷ đồng.
Theo dự kiến, 63 km đầu tiên của tuyến đường này sẽ được khởi công ngay trong quý 3/2009. Đây cũng là một trong những dự án hạ tầng có quy mô vốn lớn nhất do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.
Cùng dự kiến khởi công trong nửa đầu năm 2009, dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn đầu cầu có tổng mức đầu tư khoảng 7.530 tỷ đồng và dự án xây dựng đường vành đai 3, giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng đang được kỳ vọng sẽ tạo nên một diện mạo mới cho giao thông vận tải Hà Nội.
Trong khi đó, dự án xây dựng đường cao tốc từ Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 55 km do Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc làm chủ đầu tư sẽ khởi công vào quý 2/2009 sẽ là minh chứng cụ thể hóa cam kết của Chính phủ Nhật Bản về việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam.
Tại dự án này, vốn hỗ trợ của Nhật Bản chiếm khoảng 40% trong số hơn 1,2 tỷ USD chi phí xây dựng.
Hiện nay, JICA đang cân nhắc phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn cho Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng mức đầu tư 2,4 tỷ USD.
Về số tiền 3.510 tỷ đồng cho dự án nâng cấp hệ thống các cầu và hệ thống tỉnh lộ, ông Nguyễn Tân Khoa, Phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 6, đại diện chủ đầu tư cam kết: nếu không có gì thay đổi, quá trình thay thế 59 cầu yếu sẽ được khởi động ngay sau khi hiệp định tín dụng được ký kết giữa đại diện hai chính phủ.
Mặc dù có quy mô không lớn, nhưng những cầu đã được hoàn thành trong giai đoạn 1 góp phần đồng bộ hóa tải trọng cầu đường, xóa đi những “nút cổ chai” gây ách tắc giao thông, điểm “đen” tai nạn trên nhiều tuyến đường huyết mạch, trong đó có cả Quốc lộ 1A...
Sẽ thêm nhiều đường mới từ nguồn vốn ODA Nhật
Vừa qua, Ngoại trưởng Nhật Bản Hirofumi Nakasone đã tuyên bố Nhật sẽ nối lại hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, với nguồn vốn ban đầu 900 triệu USD dành cho 4 dự án cơ sở hạ tầng.
Cụ thể là hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội, dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2, dự án thoát nước và cải tạo môi trường thành phố Hải Phòng và dự án nâng cấp hệ thống các cầu và tuyến tỉnh lộ. Dự kiến vào ngày 31/3 tới, hai bên sẽ ký công hàm ngoại giao về 4 dự án trên.
Hiện Nhật Bản vẫn là một trong những nhà tài trợ nước ngoài lớn nhất cho Việt Nam, trong đó số vốn nước này cam kết cho năm 2008 tại Hội nghị nhóm các nhà tư vấn cho Việt Nam năm cuối năm 2007 là 1,11 tỷ USD, chỉ sau Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Theo JICA, Việt Nam là một trong ba điểm rót vốn ODA quan trọng nhất của Nhật, chỉ sau Ấn Độ và Indonesia.
Ông Hà Khắc Hảo, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết: hiện nay, Bộ đang tiến hành quản lý quá trình đầu tư xây dựng 20 dự án hạ tầng có sự tài trợ vốn của Chính phủ Nhật Bản. Nếu tính cả các dự án đã hoàn thành thì kể từ năm 1994 đến nay, đã có tới 99 dự án ODA trong lĩnh vực giao thông vận tải được ký kết với tổng mức đầu tư 11,8 tỷ USD.
Trong số này, các dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản chiếm khoảng 55%. Nhiều công trình sử dụng vốn ODA Nhật Bản khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả cao như Quốc lộ 5, cầu Bãi Cháy, cảng Hải Phòng, cảng Tiên Sa, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các cầu lớn trên Quốc lộ 1A...