Các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam vẫn muốn được Nhà nước ưu tiên trong đấu thầu dự án đầu tư xây dựng các công trình công nghiệp. Tuy nhiên, nguyên nhân thực chất là do các nhà thầu trong nước không thể cạnh tranh với các nhà thầu nước ngoài.
Lo ngại thiệt thòi vì phải cạnh tranh
Hiện nay, việc đấu thầu EPC (tổng thầu) hoặc từng gói thầu của các dự án đầu tư xây dựng được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là sơ tuyển về năng lực và kinh nghiệm, giai đoạn 2 là đấu thầu thương mại và giá. Hiệp hội này phân tích, hầu hết, các doanh nghiệp trong nước đều vượt qua giai đoạn 1.
Vì thực tế, các nhà thầu, kể cả nhà thầu không đủ năng lực, có thể thuê các nhà tư vấn có kinh nghiệm làm thầu, hoặc một số nhà thầu liên danh để có đủ năng lực và kinh nghiệm khi tham gia thầu.
Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2, thực chất đấu thấu là đấu về giá. Với cách làm này, hiệp hội các doanh nghiệp cơ khí khẳng định, sẽ không có nhà thầu trong nước nào có thể vượt qua được nhà thầu nước ngoài, đặc biệt là nhà thầu Trung Quốc. Thực tế này cũng đã chứng minh trong một loạt các dự án xây dựng nhà máy điện, thép, xi măng…
Từ nay cho đến năm 2025, nhu cầu đầu tư cho các ngành công nghiệp như nhiệt điện, thuỷ điện, xi măng, hoá chất, nhôm là khổng lồ. Cả ba ngành công nghiêp này sẽ tiêu tốn khoảng 107 tỷ USD vốn đầu tư.
Trong đó, có 88 nhà máy nhiệt điện than công suất từ 100-1.200MW/nhà máy cần xây dựng với vốn đầu tư khoảng 83 tỷ USD, khoảng 75 nhà máy thuỷ điện công suất từ 30-1.200MW/nhà máy với vốn khoảng 10 tỷ USD và khoảng 30 nhà máy xi măng lò quay có tổng vốn 13,6 tỷ USD.
Điều này nghĩa là, việc làm cho các doanh nghiệp nhà thầu không thiếu. Thế nhưng, thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam phải “ngậm ngùi” nhìn các dự án hiện nay thuộc các ngành công nghiệp trên hầu hết do các nhà thầu nước ngoài thực hiện vai trò tổng thầu EPC.
Với cách đấu thầu hiện nay, hiệp hội các doanh nghiệp cơ khí bày tỏ sự lo ngại rằng, vốn đầu tư sẽ lại chảy về túi các doanh nghiệp nước ngoài trúng thầu và "trách" rằng, các cơ quan có thẩm quyền quyết định các dự án vẫn chưa quán triệt tinh thần phát huy nội lực nên chưa dành nhiều đơn hàng cho các doanh nghiệp trong nước.
Quan trọng vẫn phải là năng lực
Cùng với các phân tích trên, hiệp hội kiến nghị, đối với các dự án có sử dụng nguồn vốn Nhà nước, đề nghị Nhà nước cho chỉ định thầu hoặc tổ chức đấu thầu trong nước. Nếu các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thầu thì phải liên danh hoặc làm thầu phụ, doanh nghiệp trong nước phải là người đứng đầu liên danh thầu.
Đồng thời, Nhà nước cần có chiến lược xây dựng một số Tập đoàn công nghiệp nhằm thực hiện vai trò tổng thầu EPC để đủ năng lực thực hiện tổng thầu trong nước và quốc tế. Tính toán thô sơ, nếu các doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện khoảng 50% tổng vốn đầu tư của ba ngành công nghiệp trên, ước khoảng 53,5 tỷ USD, thì đó sẽ là cơ hội giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong bối cảnh hiện nay, tạo việc làm, đầu ra cho doanh nghiệp.
Có thể thấy, những đòi hỏi cần sự ưu đãi về cơ chế trên là điều dễ hiểu khi mà, các doanh nghiệp trong nước thường thua kém doanh nghiệp nước ngoài về trình độ, năng lực và kinh nghiệm.
Ý kiến trên cũng đã được ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch hiệp hội các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đưa ra nhiều lần trong các cuộc họp với Bộ Công Thương với dẫn chứng, Việt Nam cần xây hàng loạt nhà máy nhiệt điện mà mới chỉ có 1 nhà máy được giao cho một đơn vị trong nước thực hiện (Tổng Công ty xây lắp máy Lilama) là quá thiệt thòi.
Khi đó, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu, Bộ Công Thương cũng đã phải nhắc nhở rằng, Lilama mới chỉ làm một dự án điện mà còn gặp nhiều trục trặc. Hơn nữa, đấu thầu phải công khai, minh bạch theo cam kết WTO, không thể hạn chế doanh nghiệp nước ngoài tham gia.
Ông Nguyễn Văn Thụ vẫn cho rằng, sự vận dụng một cách máy móc luật đấu thầu của các nước ngoài như hiện nay sẽ làm thiệt hại các doanh nghiệp trong nước và cản trở đến nền kinh tế xã hội. Không nên vì tham gia hội nhập kinh tế quốc tế mà hi sinh lợi ích thiết thực của quốc gia bằng mọi giá.
Ông Đặng Huy Động, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Công Thương, khi họp bàn về cơ chế chỉ định thầu đối với dự án thì nhấn mạnh, cần phải hiểu cơ chế chỉ định thầu là luôn kèm sự rủi ro, không khách quan của người quyết định. Rất nhiều trường hợp chỉ định thầu xong thì dự án vẫn ỳ ạch, chậm tiến độ vài ba năm.
Vì thế, quan điểm lâu dài vẫn phải là hạn chế chỉ định thầu mà phải là đấu thầu. Điều quan trọng số một là phải đảm bảo hiệu quả của dự án trước tiên.
Đáng tiếc là, các doanh nghiệp cơ khí mới chỉ nêu ra đòi hỏi Nhà nước cần hỗ trợ mà quên mất rằng, cần phải chứng minh được năng lực của mình và cam kết về hiệu quả.