Vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD, nhà máy được khởi công cuối tuần qua tại TP HCM ngay bãi rác Đông Thạnh, Phước Hiệp 1, 1A, sẽ thu khí từ rác để sản xuất điện.
Theo thiết kế, nhà máy này có công suất khoảng 42 triệu kWh điện mỗi năm, cung cấp năng lượng cho gần 20.000 hộ gia đình tại thành phố. Đây là nhà máy điện từ rác đầu tiên của TP HCM.
Công ty KMDK VN với hai đối tác là KMDK Hàn Quốc và Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE, được lãnh đạo TP HCM chọn thực hiện dự án thu hồi khí từ bãi chôn lấp và phát điện theo cơ chế CDM.
Theo đó một hệ thống nhiều ống thu khí sẽ được chôn ở độ sâu 15m để thu khí gas phát sinh từ quá trình phân hủy rác ở các ô chôn lấp. Sau đó dẫn đến hệ thống làm lạnh để tách nước lẫn trong gas. Từ đây, gas tiếp tục đưa đến thiết bị xử lý, máy thổi nhằm nén lại và bơm đến động cơ đốt trong để chạy máy phát điện. Lượng gas tạp hoặc dư sẽ xử lý bằng phương pháp đốt.
Điện do các máy phát sản xuất ra sẽ có điện áp 0,4 kV, tần số 50 Hz, được dẫn đến máy biến thế, tăng điện áp lên 22 kV để hòa vào mạng lưới điện quốc gia.
Nhà máy điện từ rác cũng sẽ giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính (GHG) thông qua hệ thống thu khí từ bãi chôn lấp tương đương 252.000 tấn khí CO2 (chất khí chính gây hiệu ứng GHG) mỗi năm. Bên cạnh đó còn giải quyết một số chất gây ô nhiễm môi trường liên quan khác như NH3, H2S và hợp chất gây mùi từ bãi chôn lấp.
Dự kiến nhà máy được xây dựng qua hai giai đoạn. Trong đó giai đoạn đầu sẽ thực hiện phủ đỉnh bãi chôn lấp Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), Phước Hiệp 1 và 1A (huyện Củ Chi). Đại diện Công ty KMDK VN cho biết: "Dự án đã chậm gần 2 năm so với dự kiến nên công việc phủ đỉnh sẽ được gấp rút hoàn thành trước cao điểm mùa mưa sắp tới".
Ở giai đoạn 2, nhà máy được lắp đặt hệ thống thu khí, xử lý khí và phát điện. Tổng công suất phát điện tại 3 bãi rác có thể đạt tới 6-8 mW. 12 tháng sau khi khởi công, dự án sẽ hoàn thành tại bãi rác Đông Thạnh và Phước Hiệp 1, một năm sau hoàn tất ở bãi rác Phước Hiệp 1A.
Thời gian dự khiến khai thác khí gas phục vụ sản xuất điện sẽ kéo dài trong 10-20 năm. Sau đó, các công nghệ làm sạch đất sẽ được thực hiện nhằm cải thiện cảnh quan và chất lượng cuộc sống ở khu vực này.
Theo các chuyên gia về năng lượng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để sản xuất điện từ những nguồn tài nguyên thiên nhiên như rác, nắng, gió... nhưng vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Cuối tuần qua, Tổng giám đốc Công ty Siemens Việt Nam Erdal Elver cũng cho hay, với đặc điểm địa lý bờ biển kéo dài suốt đất nước, Việt Nam có nhiều thuận lợi để xây dựng nhà máy điện từ turbin gió. "Siemens đang tham gia nghiên cứu một dự án nhà máy điện từ gió tại Việt Nam, trong giai đoạn đầu thẩm định cho thấy chi phí đầu tư ban đầu có thể lớn nhưng chất lượng điện sạch, không có CO2...