Việt Nam vẫn có sức hút các dự án đầu tư mới

09:00, 26/03/2009

Sau thông tin vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 3 tháng đầu năm đã giảm mạnh tới 70% so với cùng kỳ năm ngoái thì sự kiện ''2 tỷ USD sẽ đổ vào các tỉnh phía Bắc'' vừa công bố sáng ngày 26/3 có thể coi là một tín hiệu khởi sắc cho thu hút đầu tư vào Việt Nam.

Thật trái ngược với những tiên liệu e ngại về khả năng thu hẹp qui mô sản xuất, rút vốn đầu tư, những ý kiến bày tỏ tại Hội nghị thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế phía Bắc do Bộ KH-ĐT chủ trì ngày 26/3 đã cho thấy một tình hình sáng sủa, lạc quan. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn ấp ủ nhiều dự định mới ở Việt Nam. 

Ông Royichi Nakagawa, Giám đốc Cơ quan xúc tiến đầu tư Nhật Bản cho hay: “Trong những năm tới, Nhật Bản sẽ tập trung đầu tư vào nông thuỷ sản và chế biến thực phẩm ở Việt Nam. Cà phê, hạt điều, hồ tiêu.. của Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới nhưng phần lớn là xuất thô, giá trị gia tăng thấp.”

“Nếu như nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản chuyển vào lĩnh vực này thì có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và làm tăng thị phần nhóm hàng nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam trên thị trường thế giới. Đây thực sự là một lĩnh vực có triển vọng cao”, ông Royichi Nakagawa bày tỏ.

Trong lĩnh vực sản xuất, một số doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vẫn đang tích cực điều tra, tìm kiếm khả năng thành lập cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam. Ông Nakagawa phân tích, một động lực rất “tự nhiên” cho các quyết định này là các DN Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng đồng Yên đột ngột tăng giá và mối lo ngại thị trường thế giới vẫn thu hẹp kể cả khi nền kinh tế phục hồi. Do vậy, dòng vốn đầu tư cho các dự án sản xuất hàng xuất khẩu của DN Nhật Bản sẽ có xu hướng chuyển sang Việt Nam, nơi được đánh giá có nhiều lợi thế vượt trội như là vị trí trung chuyển hàng hoá của châu Á…

Đối với lĩnh vực bán lẻ, ngay từ năm 2008, đã có nhiều DN Nhật Bản tiến hành điều tra gia nhập thị trường để đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ, y tế…Ở Hà Nội và TP.HCM, việc chuẩn bị thành lập các công ty thương mại về xuất nhập khẩu và phân phối của các DN Nhật Bản đã rất sôi động .

Một đại diện FDI có thương hiệu uy tín và quen thuộc là Công ty Canon Việt Nam cũng bày tỏ những dự định mới để ứng phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu. “Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới này sẽ kết thúc và nền kinh tế sẽ phục hồi. Sự chuẩn bị cho bước nhảy tiếp theo là việc cần thiết nhất trong thời điểm này. Đối sách được Canon quan tâm số một vẫn là duy trì sản xuất, việc làm cho cán bộ công nhân ưu tú, có năng lực”, ông Kageyama Tổng Giám đốc Canon Việt Nam khẳng định.

Tuy chịu nhiều ảnh hưởng do sự sụt giảm nền kinh tế toàn cầu, Canon vẫn nỗ lực cung cấp sản phẩm với giá thành rẻ, chất lượng cao và đúng kế hoạch. Công ty này đã liên kết chặt chẽ với các công ty thương mại trên thế giới để đảm bảo sản xuất đáp ứng kịp thời nhất. Ngay từ quí 3 năm ngoái, công ty này đã đẩy mạnh nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng, đào tạo lại nhân lực, mời giảng viên bên ngoài về đạo tạo từ công nhân đến cấp quản lý.

Còn theo Công ty ICA Việt Nam, để xúc tiến đầu tư thành công trong thời kỳ suy thoái kinh tế, Việt Nam nên chú trọng việc chăm sóc các nhà đầu tư sau cấp phép. Chính những DN FDI đã có mặt tại Việt Nam sẽ là những nhà đại sứ quan trọng nhất trong việc thuyết phục các nhà đầu tư mới lựa chọn điểm đến đầu tư.

Niềm tin không chỉ dựa vào lợi ích sẵn có

Bên cạnh những tín hiệu tích cực đó, nhiều DN FDI vẫn than phiền về những thủ tục xin phép đầu tư ở Việt Nam, về sự chưa rõ ràng, thiếu thống nhất trong các văn bản quy phạm phạm luật, nhất là trong chính sách thuế và đặc biết là sự yếu kém, không đồng bộ về cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đây cũng là những trở ngại đã được cộng đồng DN phản ánh nhiều lần.

Ghi nhận những ý kiến này, ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT đã cam kết, cuối năm nay, Bộ sẽ hoàn thiện quy chế ưu đãi về sử dụng ngân sách trung ương để hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế. Đồng thời, quy hoạch về các khu này sẽ được hoàn thiện sớm và đảm bảo tính đồng bộ với quy hoạch liên quan khác của địa phương. Mục đích lớn nhất là làm sao để các DN FDI có thể hoạt động lâu dài và hiệu quả ở Việt Nam.

Các DN FDI đều đánh giá, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn các nước lân cận để trở thành điểm tập trung đầu tư lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu. Nhưng niềm tin đầu tư không thể dựa trên các lợi thế sẵn có mà còn cần sự nỗ lực cải cách của phía cơ quan Việt Nam trong việc tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng và thủ tục hành chính.

Tính đến cuối tháng 12/2008, cả nước đã có 219 khu công nghiệp và 13 khu kinh tế, thu hút 62,667 tỷ USD vốn FDI. Đến nay, đã có 2.250 dự án FDI và 2.258 dự án trong nước đi vào hoạt động, tổng vốn thực hiện đạt 16,2 tỷ USD và 121,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 38% và 49% tổng vốn đầu tư nước ngoài và trong nước đăng ký vào khu công nghiệp. Riêng năm 2008, các dự án FDI trong các khu này đã thực hiện được 2,5 tỷ USD, bằng 22% tổng vốn giải ngân năm 2008.