Sáng 25/4, tại xã Kim Long (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh khởi công dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tuyến đường cao tốc có quy mô và tổng mức đầu tư lớn nhất Việt Nam đến thời điểm này.
Dự án chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 19.984 tỉ đồng (tương đương 1,249 tỷ USD), với chiều dài 245 km.
Vốn thực hiện dự án từ 2 nguồn: vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) (1.096 triệu USD, trong đó vay thương mại là 896 triệu USD, vay ưu đãi là 200 triệu USD) và một nguồn do Tổng công ty đường cao tốc VN (VEC) phát hành trái phiếu công trình có bảo lãnh của Chính phủ (153 triệu USD).
Gói thầu A1, 1 trong 8 gói thầu của dự án, được khởi công sáng nay, có chiều dài 26,7km, giá trị hợp đồng trên 2.554 tỷ đồng, do nhà thầu Posco Engineering & Construction Co.,Ltd (Hà Quốc) thi công.
Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là dự án đặc biệt quan trọng nằm trong hành lang giao thông Côn Minh - Hải Phòng - Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt quyết định đầu tư. Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai do VEC làm chủ đầu tư.
Với chiều dài toàn tuyến 264km, đây là tuyến đường cao tốc có chiều dài lớn nhất hiện nay và đi qua địa bàn của 5 tỉnh, TP là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.
Điểm đầu (km 0) tại nút giao của đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long với quốc lộ 2. Điểm cuối (km 264) tại vị trí đấu nối với đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu tại khu vực xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-1997. Vận tốc thiết kế đoạn Hà Nội -Yên Bái tối thiểu 100km/h, đoạn Yên Bái - Lào Cai tối thiểu 80km/h.
Một kỷ lục nữa của dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai là thời gian chuẩn bị dự án rất ngắn. Tính từ lúc VEC tiếp nhận ý tưởng và chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT vào đầu năm 2006 đến thời điểm khởi công chưa đầy 40 tháng. Theo kế hoạch, tuyến đường sẽ hoàn thành vào năm 2013.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng, dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ là động lực, điều kiện thiết thực và quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương dọc tuyến đường và cả nước. Đây cũng là dự án đặc biệt quan trọng thuộc hành lang đường bộ Côn Minh – Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông.
Tuyến đường hoàn thành sẽ kết nối 2 hành lang và 1 vành đai kinh tế trọng điểm của VN – Trung Quốc là: Hành lang Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; hành lang Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội và vành đai duyên hải vịnh Bắc bộ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và VEC nhanh chóng đồng loạt khởi công 7 gói thầu còn lại để đảm bảo tiến độ nhanh nhất.