Thận trọng bơm vốn giá rẻ

09:27, 08/04/2009

Sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước (SBV) ban hành bản hướng dẫn hỗ trợ 4% lãi suất vốn vay trung và dài hạn cho các đối tượng thuộc 9 ngành nghề, các tổ chức tín dụng đã có động thái bơm tiền nhưng khá dè dặt.

Siết chặt khâu thẩm định tài sản

Điều mà các NH e ngại khi thực hiện hỗ trợ lãi suất là nhiều loại hàng hóa nhập khẩu đã mua bán qua nhiều lần nên rất khó xác định mục đích sử dụng vốn của khách hàng. Nhiều doanh nghiệp (DN) chứng minh sử dụng vốn bằng sản phẩm, song NH rất khó xác định đâu là hàng tồn kho, đâu là hàng thanh toán chậm. Tuy việc hỗ trợ lãi suất được thực hiện theo cơ chế cho vay thông thường nhưng các NH cho biết việc xét duyệt hồ sơ vay được tiến hành qua nhiều khâu kiểm tra chồng chéo nhau. Bởi chỉ sơ suất một trong nhiều mắt xích đồng nghĩa NH đối mặt với rủi ro.

Một số cán bộ tín dụng cũng cho biết thông thường các DN vay vốn trung và dài hạn để mua nguyên liệu dự trữ, đổi mới công nghệ, xây dựng nhà xưởng... và dùng tài sản đó thế chấp vay vốn. Khi NH xem xét điều kiện vay, khâu thẩm định tài sản hình thành từ vốn vay được thực hiện hết sức nghiêm ngặt. Bên vay phải chứng minh dự án khả thi, nguồn gốc hàng hóa rõ ràng, phương án trả nợ hợp lý... mới tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ. Trường hợp DN không đủ khả năng xây dựng phương án kinh doanh nên đề nghị những NH có dịch vụ thiết kế dự án đầu tư (không đánh bóng dự án), sau đó các NH sẽ xem xét để cho vay.

Nên bổ sung nguồn vốn

Tổng Giám đốc NH Sài Gòn Thương tín (Sacombank) Trần Xuân Huy cho biết Sacombank đang cân đối lại các nguồn vốn và sẵn sàng hỗ trợ lãi suất cho các DN đúng đối tượng, mức độ cung ứng vốn tùy thuộc vào nguồn vốn trung và dài hạn của Sacombank. Theo ông Võ Văn Châu, Tổng Giám đốc NH Phương Đông, nguồn vốn trung và dài hạn của các NH hiện không nhiều. Các tổ chức tín dụng sẽ cung ứng vốn theo khả năng mình. Lãnh đạo nhiều NH khác cũng cho rằng khi gói hỗ trợ lãi suất phát huy tác dụng, nhu cầu vay vốn trung và dài hạn sẽ tăng mạnh. Trong khi đó, huy động vốn từ dân cư sẽ tăng không đáng kể, cung – cầu vốn trung và dài hạn có thể mất cân đối.

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, SBV nên giảm thêm lãi suất cho vay tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu các loại giấy tờ có giá để các ngân hàng mạnh dạn vay vốn giá rẻ từ SBV; đồng thời giảm dự trữ bắt buộc từ 3% xuống 2% để bổ sung nguồn vốn.