Dù triển vọng kinh tế thế giới vẫn còn u ám, nhiều nhà đầu tư nước ngoài dường như đang dành cho Việt Nam sự quan tâm lớn.
Tại đây, sau bài phát biểu về tình hình kinh tế và quan điểm của Việt Nam về thu hút đầu tư, với dự báo tăng trưởng GDP sẽ vào khoảng 5 - 5,5% trong năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành gần một giờ đồng hồ, trả lời nhiều câu hỏi của nhà đầu tư nước ngoài.
Hầu hết các câu hỏi được đặt cho Thủ tướng từ phía các đầu cầu truyền hình, chủ yếu đều hướng đến các vấn đề ngắn hạn như liệu có tình trạng thiếu thanh khoản đồng USD? Khi nào lạm phát trở lại một con số? Hay kế hoạch huy động vốn cho nền kinh tế Việt Nam được cân đối như thế nào giữa vay trong nước và vay nước ngoài?...
Một số nội dung câu hỏi của nhà đầu tư nhắm thẳng đến thị trường chứng khoán, như các gói kích thích tài chính có ảnh hưởng đến vấn đề cổ phần hóa, giải pháp tăng thanh khoản cho thị trường chứng khoán...?
Một số câu hỏi khác lại được cho là đến từ những nhà đầu tư có mong muốn hợp tác lâu dài với Việt Nam, khi họ đặt mối quan tâm đến các vấn đề cơ bản hơn, như chính sách phát triển cơ sở hạ tầng và công nghiệp phụ trợ.
Đáp lại sự quan tâm của cộng đồng nhà đầu tư quốc tế, Thủ tướng đã trực tiếp trả lời nhiều thắc mắc từ phía các nhà đầu tư.
Liên quan đến câu hỏi liệu Việt Nam có thiếu thanh khoản đồng USD, Thủ tướng cho biết, trong quý 1/2009, cán cân thương mại Việt Nam thặng dư tới 1,7 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối hiện tương ứng với 20 tuần nhập khẩu.
“Chúng tôi không gặp khó khăn nào trong việc đảm bảo thanh khoản bằng đồng USD”, Thủ tướng nói.
Về câu hỏi khi nào lạm phát tại Việt Nam trở lại một con số, Thủ tướng đưa dẫn chứng mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2009 so với tháng 12/2008 chỉ 1,32%.
“Theo dự báo của chúng tôi, lạm phát năm 2009 vào khoảng 6%, và tôi tin là mục tiêu này có thể thực hiện được”, Thủ tướng khẳng định.
Thẳng thắn trả lời kế hoạch thu hút vốn nước ngoài cho phát triển kinh tế trong năm nay, Thủ tướng cho biết Việt Nam rất coi trọng các nguồn vốn ODA và FDI, và đây là hai nguồn vốn chính, có vai trò lớn trong phát triển hạ tầng và đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có một số kênh huy động vốn ngoài khác như bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn nước ngoài thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, và Chính phủ cũng thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động vốn cho nền kinh tế.
“Nguồn vốn ngoài nước dự kiến chiếm khoảng 40% tổng vốn đầu tư trong năm nay. Theo kinh nghiệm trong những năm qua thì đây là kế hoạch phù hợp”, Thủ tướng nói.
Đáp lại mối quan tâm đến thị trường chứng khoán, Thủ tướng khẳng định với các nhà đầu tư rằng cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là chủ trương nhất quán của Chính phủ Việt Nam. Trong 12.000 doanh nghiệp Nhà nước, dự kiến sẽ chỉ giữ lại khoảng 500 doanh nghiệp để đảm bảo ổn định vĩ mô và các vấn đề an sinh xã hội.