Những năm gần đây, tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp liên tục giảm từ 21,6% (thời kỳ 1988-1990) xuống còn 8,3% (thời kỳ 1991-1995) đến hết năm 2008 còn khoảng 6% tổng vốn FDI vào nước ta. Vậy đâu là nguyên nhân khiến nguồn vốn FDI giảm?
Công ty TNHH Quốc tế Kiên Tài (liên doanh giữa Đài Loan với Công ty Nông lâm xuất khẩu tỉnh Kiên Giang) có dự án trồng 60ha rừng nguyên liệu giấy tại Kiên Giang. Nhưng sau 7 năm Công ty mới trồng được 22,29ha rừng. Việc xây dựng nhà máy không thể triển khai do tỉnh Kiên Giang chưa giao đủ đất cho doanh nghiệp (DN). Đây là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư không muốn triển khai dự án nên đã bị rút giấy phép. Ông Lai Chang An, Giám đốc Công ty TNHH Trương Thái Bảo Lâm (Đài Loan) cho biết: Được cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2004 với tổng số vốn đăng ký kinh doanh hơn 1 triệu USD, nhưng sau 3 năm Công ty mới chỉ đầu tư được gần 600.000 USD, Công ty cũng thừa nhận sự chậm trễ trong đầu tư, nhưng cũng không thể đẩy nhanh tiến độ bởi vướng nhiều thủ tục liên quan đến đất đai và giải phóng mặt bằng. Công ty TNHH TFB (Đài Loan) cũng được cấp giấy phép sản xuất chè Ô Long ở Hà Giang từ năm 2006 nhưng cho đến năm 2007 vẫn chưa có đất. Các thủ tục đã được các DN thực hiện đúng trình tự quy định, nhưng người dân lại chưa giao đất. Điều đáng quan tâm là cơ quan chức năng phó mặc cho DN tự thương lượng với dân, không chỉ đạo quyết liệt, dẫn đến kéo dài thời gian.
Chính sách thiếu đồng bộ
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó phòng Hội nhập và Đầu tư (Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN & PTNT) cho biết: Các dự án có vốn FDI trong ngành nông nghiệp ở nước ta chậm triển khai còn do bất cập của địa phương; sự phối hợp quản lý giữa địa phương và Trung ương chưa đồng bộ. Luật DN và Luật Đầu tư quy định DN có 100% vốn nước ngoài bình đẳng với các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, theo Điều 9 Luật Đất đai thì DN 100% vốn nước ngoài không được hưởng các quyền lợi về đất đai như các DN tổ chức trong nước (chỉ được thuê đất, không được quyền nhận chuyển nhượng đất trực tiếp từ các tổ chức, cá nhân khác như DN trong nước).
Đáng nói là trong khi các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng khó tìm được diện tích đất phù hợp cho kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực lâm sản, chế biến gỗ, thì tình trạng đất đai lãng phí ở các nông, lâm trường quốc doanh làm ăn kém hiệu quả không được giải quyết dứt điểm. Thêm vào đó là tình trạng tùy tiện thay đổi quy hoạch ở nhiều địa phương làm cho nhà đầu tư không mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp. Theo thống kê của Hiệp hội Mía đường, 2 năm qua diện tích trồng mía của tỉnh Tây Ninh giảm hơn 10.000ha, nhiều DN đã phải giảm công suất vì không đủ nguyên liệu chế biến. Công ty TNHH Bourbon Tây Ninh có tổng số vốn đầu tư 97 triệu USD và được phê duyệt 24.000ha đất trồng mía, nhưng khi đã đầu tư lắp đặt thiết bị có công suất phù hợp thì tỉnh thay đổi quy hoạch, diện tích mía chỉ còn 10.000ha. Trong kiến nghị gửi Bộ NN&PTNT, lãnh đạo Công ty bức xúc về cách làm tùy tiện trên đã đẩy nhà máy vào khủng hoảng thiếu nguyên liệu, dẫn đến sản xuất, kinh doanh bị đảo lộn và nhà máy buộc phải mua đường thô ở ngoài để sản xuất và cung cấp đường theo hợp đồng đã ký.
Để thực hiện chiến lược "tam nông" có hiệu quả, những vướng mắc trong thu hút FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cần phải được tháo gỡ kịp thời về cơ chế, chính sách, đồng bộ từ trung ương đến cơ sở, bảo đảm sự bình đẳng giữa các DN đầu tư trong cùng lĩnh vực.