Du lịch Việt Nam được đầu tư 50 tỷ đồng để quảng bá

08:30, 29/11/2009

Trao đổi với báo chí sáng 27/11, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, nhờ các chiến dịch quảng bá hiệu quả, lượng khách quốc tế đã tăng trở lại.

 

- Ông đánh giá như thế nào về tình hình khách du lịch trong tháng 11?

 

- Kinh tế thế giới đang dần hồi phục, đó là tin tốt lành đối với ngành du lịch các nước. Tháng 10 nếu khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm mạnh thì tháng 11 đã tăng trưởng bùng nổ với 231.000 lượt, tăng 19%, đặc biệt du khách tại các nước Nhật Bản Đông Bắc Á, Tây Âu, Bắc Mỹ cũng đã tăng trở lại.

 

Từ 6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 19,6% so với cùng kỳ năm trước, hết tháng 10 vẫn giảm 16,6% nhưng đến hết tháng 11 chỉ còn giảm 12,4% so với cùng kỳ.

 

- Ngoài nguyên nhân do kinh tế hồi phục, còn những lý do gì khiến du lịch tăng trưởng như vậy?

 

- Các chiến dịch quảng bá vừa rồi thực sự có hiệu quả, chưa bao giờ ngành du lịch đầu tư, làm một cách có tập trung, trọng điểm các chương trình roadshow như vừa qua. Tổng cục Du lịch đã tổ chức phát động sâu rộng tại Trung Quốc, từ tháng 10 trở đi hiệu ứng thấy rất rõ. Hiện nay có công ty trong tháng vừa qua nói rằng đã đón tới 3.000 khách Trung Quốc.

 

Theo khuynh hướng hiện nay, ngành du lịch dự báo tháng 12 Việt Nam sẽ đón trên dưới 400.000 khách. Nếu đạt được số lượng này, nước ta sẽ đón 3,9-4 triệu khách quốc tế trong năm nay, chỉ sụt giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là dấu hiệu rất tốt.

 

Hiện nay tôi được thông báo là các khu du lịch chất lượng cao, các khách sạn tốt từ miền Trung trở vảo tỷ lệ buồng phòng rất cao, từ nay đến cuối năm và đầu năm tới là thời kỳ cao điểm của khách quốc tế.

 

- Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, nhiều nước hạn chế công dân không nên đi du lịch nước ngoài. Ông có nghĩ rằng biện pháp này nên áp dụng ở Việt Nam?

 

- Đúng là một số nước, ngay cả những nước gần chúng ta và có thị trường lớn cũng tập trung vào việc ưu tiên vào việc kích cầu nội địa. Việc hạn chế chỉ mang tính thời điểm, chứ nhu cầu du lịch cần phải được đáp ứng, thoả mãn. Chúng ta kích cầu nội địa nhưng không ngăn cản công dân của chúng ta đi nước ngoài và chúng ta sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới được sử dụng các dịch vụ phù hợp với những đồng tìên họ bỏ ra.

 

- Thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục những biện pháp gì?

 

- Hiện Tổng cục Du lịch tiếp tục các chiến dịch phát động thị trường, với quan điểm là trong bối cảnh hiện nay là tập trung vào thị trường có khả năng phục hồi nhanh, điển hình như Trung Quốc, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan), khu vực ASEAN và tiếp tục xúc tiến tại các thị trường Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ...

 

Tới đây, chúng ta có 3 chương trình lớn là phát động thị trường ASEAN đi xuyên qua 4 quốc gia Thái lan, Singapore, Malaysia và Indonesia; đi qua 3 thành phố của Đài Loan là Đài Bắc, Cao Hùng và Đài Trung; xúc tiến tại Pháp vào giữa tháng 12/2009.

 

- Trên cơ sở đà du lịch hồi phục, ngành đã tính đến mục tiêu đón khách năm 2010 như thế nào?

 

- Chúng tôi chưa công bố chính thức nhưng đang đưa ra 2 kịch bản: Một là trong điều kiện bình thường thì phấn đấu đón được 4,2-4,25 triệu khách quốc tế. Hai là phát triển có đột biến nhờ phục hồi kinh tế mạnh mẽ và hiệu ứng của công tác xúc tiến quảng bá tốt hơn thì tăng được 15-20%, có thể mạnh dạn tính đến con số 4,5 triệu lượt khách.

 

- Ngân sách nhà nước đầu tư xúc tiến cho năm nay như thế nào, thưa ông?

 

- Chúng ta có chương trình hành động quốc gia về du lịch được cấp 25 tỷ đồng; để đầu tư cho hoạt động đầu tư phát triển sản phẩm; đào tạo nhân lực và quảng bá xúc tiến. Ngoài ra, chương trình xúc tiến du lịch quốc gia cũng là 25 tỷ.

 

Năm 2010 tôi chưa khẳng định là bao nhiêu nhưng thông tin chúng tôi nắm được từ Bộ Tài chính là khoảng 40 tỷ đồng của Chương trình xúc tiến du lịch.

 

- Đánh giá của ông về chương trình Ấn tượng VN, kết quả đạt được có đúng theo kỳ vọng?

 

- Nhờ có chương trình Ấn tượng Việt Nam mà đẩy mạnh thị trường nội địa. Năm 2008 có 20,8 triệu lượt khách và năm nay là khả năng đạt 25 triệu khách - đó là tỷ lệ tăng trưởng rất cao, nhờ vậy trong khi khách quốc tế giảm 10% thì khách nội địa tăng 15-17%, doanh thu du lịch. Nhờ vậy doanh thu tăng hơn năm trước khoảng 8-10%. Rõ ràng sự sôi động của thị trường nội địa đã bù đắp được những khoảng trống của khách du lịch quốc tế tạo ra và vẫn tiếp tục giữ được đà tăng trưởng chung của ngành du lịch.

 

- Nhiều doanh nghiệp băn khoăn là khó thu hút du khách từ các quốc gia gần vì sự tương đồng về sản phẩm. Tổng cục Du lịch sẽ có chủ trương tạo ra những sản phẩm khác biệt như nào để thu hút khách thị trường gần?

 

- Chúng ta không thể nói là thị trường gần là tương đồng. Chúng ta cũng có những cái rất khác biệt về không gian, cảnh quan, về văn hoá, về ẩm thực, về các vấn đè sinh thái và môi trường cho nên dù gần, chúng ta vẫn có những cách tiếp cận để quảng bá cho những cái tạo ra hứng thú cho khách gần.

 

Khía cạnh thứ 2 là chúng ta quan tâm đến thị trường gần trong thời điểm đang cần sự tăng trưởng về số lượng, nhưng chúng ta không bỏ quên thị trường truyền thống và có khả năng chi tiêu cao, những nơi rất khác biệt về văn hoá như thị hiếu và tâm lý như trường Tây và Bắc Âu, Bắc Mỹ và các thị trường khác.