- Từ nay đến năm 2020, mỗi năm sẽ có 1 triệu lao động nông thôn (LĐNT) được đào tạo nghề. Dự kiến, hết năm 2010 ở nông thôn sẽ khoảng 800.000 lao động có nghề. Từ 2010 - 2015 thêm 5,2 triệu LĐNT có nghề. Và từ 2016-2020, tăng thêm khoảng 6 triệu người có nghề...
Đó là 3 "mốc" thực hiện mục tiêu đưa ra tại Đề án "Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020" do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký ngày 27/11.
Đề án sẽ ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng thuộc diện chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo...
LĐNT thuộc đối tượng ưu tiên được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học...
LĐNT thuộc diện có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hỗ trợ mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học.
Mỗi LĐNT thuộc diện chính sách hưởng ưu tiên chỉ được hỗ trợ học nghề 1 lần. Riêng những người học nghề theo chính sách mà mất việc do nguyên nhân khách quan thì được xem xét hỗ trợ học nghề chuyển đổi nhưng không quá 3 lần.
Còn giảng viên, giáo viên dạy nghề, nếu thường xuyên xuống thực địa giảng dạy trên 15 ngày/tháng sẽ được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương tối thiểu.
Ngoài ra, 61 huyện nghèo sẽ được đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề. Trong đó, 30 huyện có tỷ lệ hộ nghèo từ 30-50% mới thành lập trung tâm dạy nghề từ năm 2009 sẽ có mức đầu tư tối đa 12,5 tỷ đồng/ trung tâm...
Song song với việc đào tạo nghề cho LĐNT, mỗi năm sẽ đào tạo bồi dưỡng kiến thức và năng lực hành chính... cho khoảng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã đáp ứng yêu cầu.
Tổng kinh phí thực hiện Đề án từ ngân sách nhà nước dự kiến gần 26.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn là 24.694 tỷ đồng; Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã là 1.286 tỷ đồng.