Đến năm 2015, 50% chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu được nâng cấp, cải tạo và xây mới; 100% chợ trung tâm của huyện được kiên cố hóa; 30% thị trấn có loại hình tổ chức phân phối quy mô nhỏ và vừa.
Đó là các mục tiêu trong Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020, vừa được Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phê duyệt. Đề án có tổng kinh phí lên tới hơn 9.125 tỷ đồng.
Theo đó, trong giai đoạn 2010-2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trung bình hàng năm (chưa loại trừ yếu tố giá) ở địa bàn nông thôn là khoảng 22%; các năm tiếp theo từ 2016 -2020 khoảng 20%/năm.
Vào năm 2015, 25-30% nông sản phải được tiêu thụ qua hợp đồng và con số này là 45-50% vào 2020.
Đến năm 2020, tất cả các xã đều có chợ đạt tiêu chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới; hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các chợ đầu mối nông sản, chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. 80% số thị trấn có hình thức tổ chức phân phối quy mô nhỏ và vừa. Tại Cần Thơ sẽ hình thành một sở giao dịch gạo và Đắk Lăk sẽ có một sở giao dịch cà phê. Các địa phương khác sẽ hình thành một số trung tâm đấu giá hàng nông sản.
Về kinh phí, Đề án dành phần lớn nguồn vốn cho các dự án phát triển chợ ở vùng nông thôn. Đối với việc cải tạo, nâng cấp 31 chợ, xây dựng mới 82 chợ đầu mối nông sản tổng kinh phí dự kiến trong 10 năm tới là 6.040 tỷ đồng. Đầu tư cải tạo, nâng cấp 142 chợ, xây mới 276 chợ biên giới, chợ cửa khẩu; xây dựng mới 3.000 chợ dân sinh cũng lên tới trên 3.000 tỷ đồng.
Để tạo điều kiện cho việc thực hiện các dự án cũng như thu hút vốn đầu tư, theo Đề án, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải xây dựng mới hoặc điều chỉnh quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn nông thôn, trong đó trọng tâm là quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển thương mại.
Riêng trong năm nay, phải cơ bản hoàn thành việc rà soát, đánh giá và tổ chức lại hợp tác xã thương mại ở địa bàn nông thôn.
Bên cạnh đó, Đề án cũng đề xuất một số giải pháp như thực hiện thí điểm bảo hiểm sản xuất nông nghiệp ở một số khu vực cho một số loại sản phẩm thủy sản. Đối với nguồn vốn đầu tư, ngoài ngân sách hỗ trợ từ Trung ương, địa phương, sẽ huy động từ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và vốn vay./.