Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc sẽ được quy hoạch định hướng từng bước phát triển để trở thành khu du lịch cấp Quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Liên kết trong chuỗi lịch sử Kinh đô Việt và 1000 năm Thăng Long-Hà Nội
Quy hoạch đề ra mục tiêu bảo tồn, nghiên cứu làm phong phú thêm các giá trị văn hóa của quần thể di tích, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ người Việt
Cũng là một mục tiêu quan trọng của Quy hoạch là cần làm nổi bật sự liên kết của quần thể di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc trong chuỗi lịch sử Kinh đô Việt và với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Quy hoạch được phê duyệt trên địa bàn 8 xã: Cộng Hòa, Lê Lợi, Hưng Đạo, Văn An, Bắc An, Chí Minh, Hoàng Tân, Cổ Thành và 2 thị trấn: Sao Đỏ và Phả Lại, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, với diện tích quy hoạch là 8.340 ha.
Trong phân vùng quy hoạch, vùng bảo tồn và khai thác đặc biệt (vùng I) có diện tích 3.568 ha, thuộc địa phận các xã: Cộng Hòa, Lê Lợi, Hưng Đạo và Văn An. Các khu vực Côn Sơn (khu A), khu vực Kiếp Bạc (khu B), khu vực Phượng Hoang (Khu C), Khu núi Trán Rồng, Nam Tào, Bắc Đẩu,... đều nằm trong phạm vi vùng bảo tồn và khai thác đặc biệt.
Còn lại, vùng đệm (Vùng II) có diện tích 4.772 ha, là khu vực bao quanh vùng I.
4 nhóm dự án cơ bản
Theo quyết định của Thủ tướng, có 4 nhóm dự án nằm trong quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích này. Nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo di tích xác định 3 khu vực trọng tâm là: Côn Sơn, Kiếp Bạc và Phượng Hoàng.
Nhóm xây dựng một số các di tích mới bao gồm: Biểu tượng Thiền phái Trúc Lâm trên đỉnh núi Côn Sơn, tháp chuông trên đỉnh Ngũ Nhạc, tượng đài chiến thắng trên đỉnh núi Trán Rồng và Nhà truyền thống giáo dục tại núi Phượng Hoàng.
Nhóm dự án thứ 3 là xây dựng các công trình có liên quan đến việc bảo vệ khu di tích, phục vụ lễ hội và phát triển du lịch, dịch vụ.
Nhóm xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: cải tạo, nâng cấp, xây mới các tuyến đường giao thông, bãi xe, bến tàu thuyền, nạo vét sông, hồ; xây dựng hệ thống điện, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường trong khu di tích là nhóm dự án thứ 4 trong Quy hoạch.
Vốn đầu tư ước tính là khoảng 1.600 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách trung ương bố trí theo kế hoạch hàng năm, ngân sách địa phương cùng với vốn thu được từ khai thác các hoạt động du lịch, vốn huy động từ sự đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, nguồn vốn đóng góp của nhân dân,... Dự kiến phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn: 2009-2015 (giai đoạn 1) và 2015-2020 (giai đoạn 2).