Trên trang An toàn giao thông số ra tuần trước, chúng tôi đã đề cập đến một trong những yếu tố quan trọng để thu hút vốn cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật, là cơ chế chính sách phù hợp, thủ tục thực hiện dự án gọn nhẹ, hiệu quả. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia xây dựng, còn một vấn đề khác không kém phần quan trọng giúp dự án thành công là sự đồng thuận của xã hội.
Câu chuyện về cầu Ông Thìn xảy ra cách nay đã hơn 10 năm, tuy nhiên hầu hết cán bộ công nhân viên Công ty Đầu tư xây dựng và khai thác công trình cầu 584 (Công ty 584) thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) - chủ đầu tư xây dựng, vẫn nhớ rất rõ.
Giám đốc Công ty 584 Đỗ Quốc Quý (thời kỳ xây dựng cầu Ông Thìn) nhớ lại, đó là cây cầu dài 289m, rộng 17,5m, tổng kinh phí xây dựng 32 tỷ đồng, nằm trên quốc lộ 50, nối các xã Đa Phước, Quy Đức của huyện Bình Chánh, TPHCM với tỉnh Long An. Công trình được thực hiện theo hình thức BOT và Cienco 5 đã đứng ra thay mặt chủ đầu tư ký hợp đồng xây dựng với các ban ngành chức năng của TPHCM. Theo đó, phương án hoàn vốn công trình là thu phí giao thông đối với tất cả phương tiện giao thông gồm xe gắn máy 2 bánh, ô tô các loại qua cầu.
Ông Đỗ Quốc Quý cho biết, thời điểm ấy ô tô chưa nhiều nên TPHCM chấp thuận cho Công ty 584 thu phí xe gắn máy 2 bánh để hoàn vốn. Điều này không trái với quy định của Chính phủ về việc thu phí giao thông.
Tuy nhiên, khi cầu Ông Thìn hoàn tất và đưa vào sử dụng, các sở, ngành của TPHCM lại thay đổi ý kiến. Với lý do thu phí xe gắn máy 2 bánh gây kẹt xe, người dân không đồng thuận nên các sở, ngành đã không cho đơn vị thu phí giao thông đối với loại xe này. Quyết định này đã đẩy Công ty 584 vào hoàn cảnh rất khó khăn vì xe gắn máy 2 bánh qua cầu Ông Thìn rất nhiều, ước chiếm hơn 60% lượng xe các loại qua cầu.
Xảy ra sau đó hơn 10 năm nhưng câu chuyện về cầu Phú Mỹ cũng có “dính líu” đến việc thu phí giao thông đối với xe gắn máy 2 bánh. Theo ông Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ, chủ đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ, theo hợp đồng BOT xây dựng cầu Phú Mỹ, công ty của ông cũng có quyền thu phí xe gắn máy 2 bánh lưu thông qua cầu từ năm 2012, tức 2 năm sau khi cầu Phú Mỹ được đưa vào sử dụng.
Cho đến thời điểm này, các sở ngành liên quan ở TPHCM vẫn cho rằng, đây là chuyện không sai và Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ có quyền thu phí giao thông đúng theo hợp đồng BOT đã ký. Tuy nhiên, như chính ông Nguyễn Thành Thái băn khoăn, râm ran trong dư luận đã có ý kiến nghi ngại về vấn đề này.
Tạo sự đồng thuận của người dân?
Theo kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xây dựng TPHCM, để người dân ủng hộ chủ trương xã hội hóa đầu tư, Nhà nước phải công khai các dự án xã hội hóa, phải cung cấp thông tin cho người dân hiểu tầm quan trọng của những dự án này. Một khi đã hiểu, người dân nhất định sẽ ủng hộ. Nếu không có bước đi như vậy, rất có thể con đường xã hội hóa của Nhà nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Câu chuyện về cầu Ông Thìn nêu trên là một điển hình. Rõ ràng người dân đã không đồng tình với phương án thu phí giao thông đối với xe gắn máy 2 bánh nên TPHCM mới không cho phép chủ đầu tư thu phí giao thông cầu Ông Thìn. Sau này các ban ngành liên quan đã tính tới nhiều giải pháp hỗ trợ Công ty 584.
Hiện nay, ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết, sở đang tính tới một số giải pháp hoàn vốn mới cho nhà đầu tư vào hạ tầng cơ sở như có thể cho phép khai thác quảng cáo hoặc các trung tâm thương mại xây dựng dọc công trình… để hoàn vốn. Kỹ sư Phan Phùng Sanh đánh giá, đây là bước đi hợp lý vì sức chi trả của người dân hiện vẫn chưa cao. Thậm chí, ông còn đề nghị rằng chỉ nên thu phí giao thông đối với những con đường xây dựng mới hoàn toàn.
Việc cải tạo các con đường cũ, ngân sách Nhà nước nên chi trả hoặc nếu Nhà nước chưa có tiền chi trả ngay, có thể vay vốn để đầu tư xây dựng. Thực tế, Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở sẽ không bao giờ… lỗ bởi hệ thống hạ tầng này sẽ là điều kiện phát triển kinh tế. Một khi kinh tế đã phát triển, rõ ràng, việc đầu tư hạ tầng đã có hiệu quả. “Các vấn đề còn lại trong thu hút đầu tư, nhất định phải đạt được sự đồng thuận của người dân, mới thành công được”- ông Phan Phùng Sanh đúc kết.