Nhìn nhận thu hút FDI 7 tháng năm 2010

08:49, 17/08/2010

Từ nhiều năm qua, các luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang là những nguồn lực quan trọng giúp kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối ấn tượng

 

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang dần thoát ra khỏi khủng hoảng, còn kinh tế trong nước đang được xem xét tái cấu trúc thì bài toán thu hút và sử dụng các luồng vốn FDI sao cho có hiệu quả cũng đang được đặt ra.

 

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 7, cả nước có thêm 95 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới được cấp phép, với tổng số vốn hơn 508 triệu USD. Tính cả các dự án tăng vốn, tổng lượng FDI được đăng ký mới trong tháng 7 đạt 698 triệu USD. Như vậy, tổng số dự án FDI đăng ký cả cấp mới và tăng vốn trong 7 tháng qua đã đạt 670 dự án với tổng số vốn đạt hơn 9,1 tỷ USD. Con số này chỉ bằng 68,2% so với cùng kỳ năm 2009 và còn cách khá xa mục tiêu thu hút vốn FDI đặt ra cho năm nay (khoảng 22-25 tỷ USD).

 

Cần chủ động chuẩn bị để thu hút luồng vốn FDI

 

Đánh giá về những số liệu này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều kiện kinh tế thế giới còn khó khăn, việc các luồng vốn FDI giảm sút là điều không đáng lo ngại. Vấn đề quan trọng là liệu chúng ta còn có lợi thế và các lĩnh vực tiềm năng hấp dẫn các luồng vốn FDI hay không?

 

Theo ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, con số thu hút vốn FDI 7 tháng năm nay không phản ánh đúng tiềm năng thu hút FDI của nước ta hiện nay. Mỗi địa phương trong nước đều có những lợi thế riêng cần phải được khai thác nhằm thu hút các luồng vốn đầu tư nước ngoài. Trong một hai năm tới, khi suy thoái kinh tế lùi xa, chắc chắn các luồng vốn FDI sẽ tăng trưởng mạnh và chúng ta cần phải có sự chuẩn bị từ bây giờ.

 

Hiện các doanh nghiệp FDI Hà Nội đang sản xuất kinh doanh tương đối tốt, có sự lan toả lớn tới nền kinh tế Thủ đô. Tính trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp này đóng góp 10 - 15% tổng thu ngân sách của Hà Nội. Khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng chiếm một tỷ trọng xuất khẩu tương đối lớn là 50%. Với tình hình như hiện nay thì chỉ 1 - 2 năm nữa, các luồng vốn đầu tư vào Hà Nội sẽ đạt và qua vượt mức thu hút trước khi kinh tế trong nước và thế giới khó khăn là 2 tỷ USD mỗi năm.

 

Ông Nguyễn Văn Tứ cho rằng: Nguồn vốn FDI vào Hà Nội sẽ tăng trưởng nhanh và đều trên các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực tiếp tục thu hút được nhiều vốn là bất động sản. Lĩnh vực thứ 2 là các dịch vụ tài chính, ngân hàng và lĩnh vực thứ 3 là các ngành công nghệ cao.

 

Hiện nay, Hà Nội đang nhanh chóng hoàn thiện các quy hoạch. Dự kiến đến giữa năm 2011, các quy hoạch này sẽ hoàn thành. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp nước ngoài có cái nhìn rõ ràng về triển vọng tiềm năng to lớn của một Hà Nội mở rộng, từ đó có những kế hoạch, chiến lược đầu tư dài hạn với Hà Nội.

 

Cùng quan điểm này, ông Thái Văn Hoá, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) cũng có cái nhìn rất lạc quan và tự tin về triển vọng thu hút FDI của tỉnh này. Sau 4 năm được thành lập, Khu kinh tế Vũng Áng đã có 99 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký trên 90.000 tỷ đồng, trong đó có 16 dự án đầu tư nước ngoài... Các dự án lớn như Khu Liên hiệp gang thép và cảng Sơn Dương với tổng mức đầu tư là gần 8 tỷ USD; Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 với tổng mức đầu tư là 1,2 tỷ USD; Cụm khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê với mức đầu tư là 76,8 triệu USD... sẽ kéo theo hàng loạt các dự án lớn cũng như các dự án phụ trợ khác như: Dự án Lọc hoá dầu Formusa với công suất 16 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 12,4 tỷ USD; Dự án luyện cán thép của Công ty cổ phần Thép Thạch Khê, công suất 14 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD và Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2,3,4, tổng mức đầu tư gần 4 tỷ USD.

 

Lý giải việc các dự án đầu tư nước ngoài đổ vào Vũng Áng, ông Thái Văn Hoá cho rằng: “Vũng Áng có nhiều lợi thế như có cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương có khả năng tiếp nhận tầu từ 5 – 30 vạn tấn; Quỹ đất rộng, thuận lợi cho phát triển công nghiệp và quy hoạch một khu không gian đô thị của thành phố công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch năng động và hiệu quả trong tương lai”.

 

Với nhu cầu phát triển của nước ta hiện nay, luồng vốn đầu tư và công nghệ hiện đại đang là nhu cầu cấp thiết của nhiều địa phương. Với một tỉnh thuần nông như Sóc Trăng, tiềm năng thu hút FDI cũng là không nhỏ. Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng cho biết: Tính đến thời điểm này, Sóc Trăng mới thu hút được 15 triệu USD vốn FDI. Nguồn vốn này quá ít ỏi nếu như so với lợi thế phát triển công nghiệp chế biến thuỷ hải sản của tỉnh, khi mà tỉnh có tới 72.000 ha nuôi tôm công nghiệp, với sản lượng hơn 300.000 tấn tôm/năm.

 

“Chúng tôi đang có kế hoạch, trong 5 năm từ 2011 – 2015, kêu gọi vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp thuỷ. Các lĩnh vực con giống, công nghiệp chế biến sẽ được chú trọng. Khi các doanh nghiệp mang công nghệ chế biến hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế thì hạt lúa của Sóc Trăng, con tôm của Sóc Trăng có thể dễ dàng đi vào các thị trường ngặt nghèo nhất như Nhật Bản, Mỹ hay EU”, ông Kiên nói.

 

Sử dụng vốn FDI như thế nào cho hiệu quả

 

Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Với nền kinh tế tăng trưởng nhanh như hiện nay của Việt Nam, nếu chỉ huy động nguồn vốn trong nước sẽ không thể đáp ứng được tốc độ phát triển. Nước ta còn rất nhiều lĩnh vực cần đầu tư, rất nhiều lĩnh vực cần phải huy động cũng như học hỏi chất xám, chuyển giao công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến của các doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế, lượng vốn FDI thu hút cũng như giải ngân sẽ tăng nhanh trong thời gian tới chứ không dừng lại ở mức 180 tỷ USD vốn FDI, với số vốn đã giải ngân khoảng trên 65 tỷ USD như hiện nay.

 

Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh: “Trước tiên chúng ta phải khẳng định, việc thu hút vốn FDI nhìn chung là có hiệu quả. Nhìn lại sự phát triển kinh tế của chúng ta trong những năm đổi mới từ 1986 đến nay, nếu không có nguồn vốn  FDI thì chúng ta không có những thành tựu như hiện nay. Vốn FDI đã đóng góp cho sự tăng trưởng của ngành công nghiệp là hơn 30%; thu ngân sách chiếm tỉ trọng trên dưới 10%; đóng góp cho GDP từ 15-17%; đóng góp cho xuất khẩu hơn 50%... Do vậy, trước hết phải ghi nhận, đây là nguồn lực chúng ta không thể bỏ qua, không thể bỏ phí. Vấn đề là chúng ta sử dụng nguồn lực đó như nào?”.

 

Chúng ta có thể thấy rõ tầm quan trọng cũng như là những tác động lan toả tích cực của các luồng vốn FDI tới sự phát triển của nền kinh tế của cả nước. Trong nhưng năm tới, nước ta vẫn cần rất thu hút rất nhiều vốn FDI nhằm tạo động lực phát triển cho nền kinh tế. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khi vị thế cũng như trình độ phát triển kinh tế của nước ta đã thay đổi thì các việc phân bố và thu hút FDI vào lĩnh vực nào, sử dụng chúng ra sao là bài toán cần được tính toán để nền kinh tế phát triển nhanh và hiệu quả.