Thủ tướng vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với tổng kinh phí đầu tư đến năm 2020 vào khoảng 360 đến 440 ngàn tỷ đồng.
Theo tính toán, lượng hàng thông qua toàn bộ hệ thống cảng biển tại thời điểm 2015 vào khoảng 500-600 triệu tấn/năm; năm 2020 vào khoảng 900-1.100 triệu tấn/năm và tăng lên đến 2.100 triệu tấn/năm vào giai đoạn 2020.
Để đạt được con số này, trước mắt phải tập trung xây dựng một số cảng nước sâu cho tàu trọng tải lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong - Khánh Hòa.
Đồng thời, từ nay tới 2015 sẽ tập trung ưu tiên đầu tư các cảng như Khu bến Lạch Huyện cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; khu bến của lọc hóa dầu Nghi Sơn...
Quy hoạch cũng phân định rõ ràng việc phát triển cảng biển trên cơ sở những điều kiện tự nhiên và nhu cầu phát triển kinh tế của khu vực, nhưng trong đó có tính đến sự tương tác với các cảng biển lân cận.
Điều này sẽ khắc phục được tình trạng địa phương nào cũng muốn phát triển cảng biển, tránh đầu tư lãng phí và sử dụng không đúng công năng của một số cảng biển.
Nguồn vốn cần để thực hiện quy hoạch là rất lớn, do vậy cần huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước để phát triển cảng biển.
Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là tham gia qua hình thức nhà nước- tư nhân đối với các cảng có quy mô lớn.
Một điểm phù hợp với thực tế là nguồn vốn ngân sách sẽ tập trung đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng công cộng kết nối với cảng biển như đê chắn cát, trục giao thông nối mạng quốc gia... Các hạng mục này sẽ được áp dụng cơ chế cho thuê đối với các bến cảng được xây dựng bằng vốn ngân sách.
Hiện nay, cả nước có 39 cảng biển phân bố tại các vùng miền khác nhau.