Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong vài năm trở lại đây không chỉ thay đổi về lượng (vốn đầu tư) mà cả về chất với sự có mặt của hàng loạt tập đoàn có tên tuổi trong lĩnh vực công nghệ cao như Intel, Foxcon, Samsung... Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có định hướng, có chọn lọc, đặc biệt là ở các lĩnh vực quan trọng như công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ... đã bước đầu mang lại hiệu quả.
Môi trường đầu tư - ngày càng phù hợp thông lệ quốc tế
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đến ngày 15-12-2009, đã có 839 dự án mới có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) với tổng vốn đăng ký 16,34 tỷ USD; có 215 dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,13 tỷ USD, như vậy các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 21,48 tỷ USD. Đáng chú ý, số vốn thực hiện tính đến hết tháng 11 đã đạt khoảng 9 tỷ USD, nhìn chung tiến độ triển khai phù hợp với dự báo. Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh suy giảm đáng kể dòng vốn FDI tại các nước tiếp nhận trên thế giới, con số này vào nước ta tuy có sụt giảm nhưng mức ít hơn.
Về tổng thể, cả nước hiện có gần 11.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 175 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế. Điểm đáng chú ý là đến thời điểm này, công nghiệp chế biến và chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút vốn FDI lớn nhất, chiếm 62,1% số dự án và 50,6% vốn đăng ký. Sau khi Luật Kinh doanh bất động sản được ban hành, lĩnh vực bất động sản đã thu hút mạnh mẽ vốn trong hai năm trở lại đây, trở thành lĩnh vực đứng thứ hai trong thu hút FDI với 312 dự án, tổng vốn đăng ký 38,4 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 22%). Tuy nhiên, tính riêng trong năm 2009, dịch vụ (lưu trú, ăn uống) mới là lĩnh vực thu hút sự quan tâm nhiều nhất của các nhà đầu tư nước ngoài; kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 7,6 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có quy mô vốn đăng ký lớn thứ ba với 2,97 tỷ USD.
Theo đánh giá chung, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt
Những lúng túng hậu hội nhập WTO
Dù vậy, cũng theo các chuyên gia kinh tế, vốn đăng ký vào Việt Nam đến thời điểm này suy giảm đáng kể so với năm 2008 không chỉ do những khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu mang lại mà việc quản lý chồng chéo, chưa rõ ràng cũng tạo ra nhiều rào cản. Tuy đã gia nhập WTO 2 năm nhưng Việt Nam vẫn thiếu các hướng dẫn đối với các lĩnh vực đầu tư có điều kiện, khiến cho việc cấp và điều chỉnh GCNĐT gặp nhiều khó khăn do không đủ căn cứ pháp lý và hướng dẫn cần thiết. Đồng thời, việc triển khai thực hiện quyết định của Chính phủ về việc ban hành quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam cho phép các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đến 49% các doanh nghiệp Việt Nam nhưng lại không có đầu mối quản lý thống nhất đã gây ra rất nhiều khó khăn. Một trong những bất cập nữa là thông tin không thông suốt, không đầy đủ khiến các nhà đầu tư không có đủ căn cứ cần thiết để ra quyết định đầu tư. Đồng thời, quy định hiện tại về trách nhiệm của địa phương bàn giao "đất sạch" cho nhà đầu tư nước ngoài dẫn tới áp lực lớn về chi ngân sách khi thúc đẩy giải ngân vốn FDI. Kết quả, nhiều dự án lớn được cấp phép nhưng chưa thể triển khai vì chưa có mặt bằng.
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, công tác xúc tiến đầu tư tại nhiều địa phương hiện chưa chuyên nghiệp do... thiếu kinh phí (phần lớn địa phương tự chủ ngân sách dành cho hoạt động này) trong khi từ năm 2008, Chính phủ đã quyết định chi ngân sách cho công tác xúc tiến đầu tư, tuy nhiên việc giải ngân lại rất chậm chạp do... chưa có hướng dẫn. Một điểm đáng chú ý khác là trong khi chúng ta cần phải dành dụm từng đồng vốn thì công tác xúc tiến đầu tư lại thiếu thống nhất, dẫn tới tình trạng tổ chức quá nhiều hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư trên cùng một địa bàn.
"Bộ lọc" dòng vốn FDI
Mục tiêu năm 2010 là thu hút 22-25 tỷ USD vốn FDI. Trong thời gian qua, bước đầu thu hút đầu tư nước ngoài đã có định hướng, có chọn lọc vào các lĩnh vực quan trọng (công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, phát triển nguồn nhân lực, chế biến nông sản, các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo đảm môi trường...) nhưng vẫn cần phải "mạnh tay" với các dự án có dấu hiệu "tuồn" công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường...
Mặt khác, để dòng vốn FDI thực sự phát huy hiệu quả thì cần có cơ chế đẩy nhanh tiến độ thực hiện (mục tiêu năm 2010 là 10-11 tỷ USD). Để làm được điều này, cần phải thực hiện một loạt giải pháp và có một "bộ lọc" dòng vốn này. Chẳng hạn, phải sửa đổi các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh; ban hành các ưu đãi đầu tư vào các lĩnh vực phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nông nghiệp và phát triển nông thôn... Bên cạnh đó, phải xây dựng và làm tốt quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng, trong đó có hạ tầng cảng biển, cũng cần được chú trọng thông qua các hình thức như cho thuê, mở rộng đối tượng được đầu tư dịch vụ cảng biển, đặc biệt là dịch vụ hậu cần để tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống cảng biển; đồng thời, đẩy nhanh việc triển khai kế hoạch tổng thể về đào tạo nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40% vào năm 2010...