Làm gì để Khu công nghiệp Sông Công phát triển bền vững ?

16:25, 06/11/2011

Cách đây hơn 10 năm, theo Quyết định số 173/QĐ-TTG ngày 30-8-1997 của Thủ tướng Chính phủ, Khu công nghiệp Sông Công I chính thức trở thành Khu công nghiệp tập trung của cả nước với tổng diện tích 320 ha. Năm 1999, Thủ tướng tiếp tục phê duyệt dự án đầu tư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Sông Công I (giai đoạn 1 là 69,37 ha, giai đoạn 2 là 99,2 ha). Sau đó, năm 2009 Chính phủ có Quyết định điều chỉnh quy hoạch Khu công nghiệp này từ 320ha xuống 220ha.

Đến nay, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công I còn rất nghèo nàn, các hạng mục đầu tư  manh mún, không được sắp xếp thành các phân khu chức năng như đã quy hoạch, kèm theo đó là các vấn đề về ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải do sản xuất gây ra…Vấn đề triển khai thực hiện các giải pháp để Khu công nghiệp Sông Công I phát triển bền vững đã và đang đặt ra cấp thiết.

 

Quy hoạch bị phá vỡ do…thiếu quỹ đất sạch

 

Theo quy hoạch, Khu công nghiệp Sông Công I được phân chia thành các khu chức năng như: Khu sản xuất, chế biến thực phẩm; khu sản xuất đồ gia dụng, đồ may mặc; khu sản xuất vật liệu luyện kim…. Tuy nhiên, hiện nay việc sắp xếp các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất trong Khu công nghiệp đang thực hiện không theo quy hoạch, còn manh mún. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên cho biết: Do không có kinh phí để đầu tư hạ tầng nhất là khâu giải phóng mặt bằng nên việc phát triển Khu công nghiệp Sông Công gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, trong tổng số 48 dự án được cấp giấy phép đầu tư vào khu công nghiệp mới có 28 doanh nghiệp đi vào hoạt động với số vốn thực hiện gần 1.400 tỷ đồng, một số doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng, vẫn còn 16 dự án đang phải đợi đất với tổng số diện tích là 35,3 ha. Không có quỹ đất sạch nên việc cấp đất cho nhà đầu tư đang phải thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu” nghĩa là có từng nào đất thì bàn giao từng đó trước, còn lại phải “đợi”. Từ thực tế này nảy sinh tình trạng nhà đầu tư nào “đợi” được đất thì ở lại Khu công nghiệp còn không sẽ đi tìm địa điểm khác. Và tất nhiên với các nhà đầu tư lớn, tiềm năng thì việc “đợi” đất là không thể, điều đó cũng lý giải vì sao nhiều nhà đầu tư đến rồi đi như thời gian qua. Do không có quỹ đất sạch nên việc lựa chọn nhà đầu tư cũng rất khó, trong 48 dự án đăng ký đầu tư vào Khu công nghiệp Sông Công I thì có đến trên 60% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó sự quan tâm về vấn đề xử lý chất thải ra môi trường cũng có nhiều hạn chế”.

 

Tìm hiểu về vấn đề này chúng tôi đến Công ty Cổ Phần thép Toàn Thắng, một đơn vị được cấp phép đầu tư vào Khu công nghiệp Sông Công từ năm 2008 với tổng diện tích là 6 ha, tuy nhiên đến tháng 9/2009 đơn vị mới được bàn giao 2ha trước để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, còn 4 ha nữa đến nay vẫn phải đợi. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Mùa, Giám đốc Công ty cho biết: “Việc bàn giao đất chậm không chỉ làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của Công ty mà còn khiến Công ty phải chịu một khoản chi phí lãi suất do vốn đặt mua máy móc thiết bị ở nước ngoài phải vay của ngân hàng, chưa kể sự tăng tỷ giá USD… đến nay, Công ty mới hoàn thiện việc xây dựng nhà xưởng, đang tiến hành lắp đặt thiết bị với 2 lò sản xuất phôi thép công xuất 30 tấn/mẻ, tổng số vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa vào sản xuất trong quý 2 năm 2011, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động”.

 

 Như vậy, có thể thấy công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi nó không những giúp cho việc phát triển khu công nghiệp theo đúng các phân khu chức năng một cách bài bản như đã quy hoạch mà còn góp phần thúc đẩy các dự đầu tư sớm được đưa vào sản xuất.

 

Vì sao chưa có quỹ đất sạch ?

 

Với 220 ha đất được quy hoạch thì hiện nay Khu công nghiệp Sông Công I mới có trên 70 ha diện tích đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) xong và bàn giao đất cho nhà đầu tư (chiếm khoảng 30%), còn lại gần 70% vẫn chưa thực hiện được công tác GPMB. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Công Doãn, Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng các khu công nghiệp cho biết: Khó khăn nhất vẫn là vốn, do là đơn vị sự nghiệp nguồn vốn để giải phóng mặt bằng phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước, trong khi điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn nên mỗi năm chỉ cấp được một vài tỷ. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng khu công nghiệp của tỉnh chủ yếu trông vào nguồn Trung ương hỗ trợ 10 tỷ/năm. Trong khi để phát triển hạ tầng khu công nghiệp không chỉ có công tác bồi thường GPMB mà còn phải đầu tư các hạ tầng khác như: làm đường, xây dựng hệ thống thoát nước, nhà máy xử lý nước thải…”.  

 

Theo thống kê của Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên, trong suốt hơn 10 năm qua tổng số tiền đầu tư cho xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công I mới chỉ đạt gần 132 tỷ đồng bao gồm cả vốn ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương hỗ trợ và vốn ứng trước của các nhà đầu tư thứ cấp. Với số kinh phí này hạ tầng Khu công nghiệp mới chỉ thực hiện được hần 2km đường đôi (rộng 42 m), gần 1km đường nhánh, hệ thống thoát nước mưa, nước thải, Nhà máy xử lý nước thải tập trung và GPMB được trên 70ha. Không có vốn để giải phóng mặt bằng đồng loạt nên các dự án được bàn giao đất theo hình thức nhỏ lẻ, có vốn đến đâu giải phóng mặt bằng và bàn giao đất đến đó. Mặt khác, do Khu công nghiệp quy hoạch quá lâu không giải phóng mặt bằng nên việc xác định nguồn gốc sử dụng đất, quản lý xây dựng trong Khu công nghiệp rất khó khăn. Trao đổi với chúng tôi chị Nguyễn Thị Minh Tú, Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường thị xã cho biết: Việc GPMB Khu công nghiệp Sông Công I rất phức tạp, khi có thông báo thu hồi đất và tiến hành đo đạc thống kê thì các hộ lại đua nhau lén nút cơi lới, sửa chữa để đón đến bù, cán bộ đến lập biên bản thì nhiều hộ chống đối không hợp tác, mặt khác yêu cầu mà người dân đưa ra để di dời là phải có tái định cư, thậm chí có hộ yêu cầu phải được phân ở lô 1 của tái định cư…”

 

 Chúng tôi đến xóm Làng mới, phường Bách Quang (thuộc xã Tân Quang cũ) nơi phòng Thài nguyên môi trường thị xã đang tiến hành đo đạc thống kê để tiến hành GPMB. Tại đây cuối năm 2010 khi thị xã có thông báo thu hồi đất hoạt động xây dựng trái phép đã xảy ra, ngay lập tức chính quyền các cấp vào cuộc nhưng người dân có cái lý của họ, ông Phạm Văn Tâm 70 tuổi cho biết: Nhà tôi cũng vừa sửa chữa xong, tôi còn làm thêm cả một đoạn đường vào nhà vì đường lầy lội quá, tôi biết đất trong quy hoạch không được xây nhưng con tôi lấy vợ, lấy chống  không có chỗ ở thì tôi phải xây chứ…?” Trao đổi với chúng tôi ông Dương Tiến Đĩnh, Trưởng xóm Làng Mới cho biết: “Chúng tôi biết việc để bà con xây dựng tự phát là sai nhưng quả thật cũng rất khó quản lý, phải sống lâu trong vùng quy hoạch người dân trong xóm thật lòng cũng rất muốn chuyển sang chỗ ở mới để yên tâm sản xuất ổn định cuộc sống nhưng với điều kiện phải có hạ tầng của tái định cư”. Về vấn đề xây dựng tái định cư cho khu công nghiệp, ông Nguyễn Khắc lâm, Chủ tịch UBND thị xã cho biết: T.X Sông Công đã có kiến nghị và tỉnh đã đồng ý để thị xã đứng ra xây dựng khu tái định cư tại khu vực Cầu Trúc (phường Bách Quang) để giải phóng mặt bằng cho khu công nghiệp sông công 1. Tuy nhiên, đến nay thị xã mới lập quy hoạch gửi tỉnh và đợi tỉnh cho cơ chế mới tiến hành triển khai xây dựng.

 

 Việc không giải phóng được mặt bằng để nhà dân sông xen cùng các nhà máy trong khu công nghiệp như hiện nay sẽ nảy sinh nghiều bất cập. Và thực tế đã xảy ra không ít lần người dân kéo đến cổng nhà máy Kẽm điện phân vì chất thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hửng đến đời sống, sản xuất của nhân dân…Bên cạnh đó, nếu để lâu tiền đền bù GPMB cũng sẽ tăng lên, như vậy việc GPMB khu công nghiệp này sẽ lại càng khó khăn hơn.

 

Gải pháp đưa ra

 

Như vậy có thể thấy vấn đề mấu chốt để phát triển bền vững Khu công nghiệp Sông Công 1 vẫn là thiếu vốn để đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp một cách đồng bộ từ GPMB đến làm đường, hệ thống thoát nước, cây xanh, xử lý môi trường… do đó, trong điều kiện tỉnh không có nguồn để đầu tư xây dựng hạ tầng một cách đồng đồng loạt, đảm bảo theo đúng quy hoạch thì một giải pháp quan trọng đó là xã hội hóa công tác này. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho rằng: “Việc xã hội hóa công tác này có thể thực hiện theo 2 cách, thứ nhất: đẩy nhanh việc chuyển đổi mô hình hoạt động của Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp từ đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần để Công ty chủ động tiếp cận các nguồn vốn thương mại, chủ động hợp tác liên doanh liên kết với các đơn vị khác để đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp; thứ 2 là kêu gọi, tìm kiếm các nhà đầu tư lớn, tiềm năng vào đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp (theo đó, tỉnh sẽ có các cơ chế ưu đãi để khuyến khích tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này)”.

 

 Theo kinh nghiệm của một số tỉnh bạn, việc xã hội hóa công tác đầu tư hạ tầng sẽ giúp cho công tác GPMB được thực hiện đồng loạt trên một diện tích lớn, khi đó việc giao đất cho các đơn vị vào đầu tư sẽ có sự lựa chọn để xắp xếp theo các phân khu chức năng như quy hoạch, từ đó vấn đề xử lý môi trường cũng sẽ đồng bộ hơn. Mặt khác, việc có quỹ đất sạch sẽ giúp thu hút được các nhà đầu tư lớn, tiềm năng vào đầu tư phát triển sản xuất mang lại nguồn thu cho địa phương và giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động.  Hiện nay, ngoài Khu công nghiệp Sông Công 1 tỉnh ta còn được trung ương cho thành lập 5 khu công nghiệp là Khu Công nghiệp Nam Phổ Yên, Tây Phổ Yên (huyện Phổ Yên), Điềm Thụy (huyện Phú Bình) và Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) và khu Công nghiêp Sông Công 2. Do đó, từ thực tế của Khu Công nghiệp Sông Công 1, tỉnh ta cũng cần rút kinh nghiệm để có những định hướng và giải pháp cụ thể khi phát triển các khu công nghiệp khác của tỉnh. Qua đó, đảm bảo hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của các khu công nghiệp trên địa bàn góp phần thực hiện mục tiêu đưa tỉnh ta trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.