Đầu tư cho dân số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

15:42, 27/12/2011

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội, nhất là trong những năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, trong đó có sự đóng góp khá quan trọng của việc giảm tốc độ tăng dân số. Đây cũng là điểm đáng lưu ý trong việc hoạch định các mục tiêu trong tương lai.

Nền kinh tế mà Việt Nam lựa chọn là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phấn đấu theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tức là vì con người. Dân số là mẫu số của hầu hết các chỉ tiêu và đầu tư cho dân số là loại đầu tư rẻ nhất, có hiệu quả nhất.

 

Ở một nước đất không rộng nhưng người đông và điểm xuất phát còn thấp, thì việc giảm tốc độ tăng dân số có ý nghĩa về nhiều mặt.

 

Nước ta có diện tích 331.100 km2, đứng thứ 3/11 nước trong khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 17/51 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á, đứng thứ 63/208 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đất nông nghiệp chỉ có 251.300 km2, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chỉ khoảng 96.000 km2 và riêng đất trồng lúa chỉ có 40.890  km2. Dân số tính đến giữa năm 2009 là 86 triệu người, đứng thứ 3 Đông Nam Á, đứng thứ 8 ở châu Á và đứng thứ 13 thế giới. Mật độ dân số là 260 người/km2, cao gấp đôi và đứng thứ 3 Đông Nam Á, cao gấp đôi và đứng thứ 16 ở châu Á, cao gấp 5,2 lần và đứng thứ 37 thế giới. Như vậy, Việt Nam là nước đất chật người đông.

 

Việt Nam đã có nhiều cố gắng và đạt nhiều thành tựu kinh tế - xã hội, nhất là trong các năm thực hiện công cuộc đổi mới, trong đó có sự đóng góp khá quan trọng của việc giảm tốc độ tăng dân số. Đây cũng là điểm đáng lưu ý trong việc hoạch định các mục tiêu trong tương lai. Bởi các chỉ tiêu kinh tế- xã hội đề ra có thể có tốc độ cao, nhưng tốc độ đó sẽ ít có ý nghĩa thiết thực hoặc nguy cơ tụt hậu vẫn còn nếu tốc độ tăng dân số vẫn còn cao.

 

Như vậy, từ năm 1976 đến nay, tốc độ tăng dân số đã giảm liên tục.

 

Cùng với sự phấn đấu tích cực để tăng tổng quy mô các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, việc giảm liên tục tốc độ tăng dân số đã góp phần rất tích cực, làm cho các chỉ tiêu tính theo bình quân đầu người tăng lên, trong đó đáng chú ý là các chỉ tiêu liên quan đến việc chuyển vị thế của đất nước.

 

Cụ thể là, lương thực có hạt bình quân đầu người từ chỗ ở mức 251 kg năm 1986, đến năm 2009 đã đạt 452 kg, đã biến Việt Nam từ nước nhập khẩu lớn thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới.

 

Cũng nhờ an ninh lương thực được bảo đảm mà nông nghiệp có điều kiện phát triển toàn diện, xuất khẩu cà phê, hạt điều, tiêu, cao su,… của nước ta đứng hàng đầu thế giới,… GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái từ chỗ nằm trong nhóm nước thấp nhất thế giới đã chuyển sang nhóm nước trung bình và ngăn chặn được nguy cơ tụt hậu.

 

Tốc độ tăng dân số giảm còn có ý nghĩa giảm sức ép phải giải quyết  việc làm do số người bước vào tuổi lao động không còn nhiều như trước. Đẻ ít con, đẻ thưa còn giúp các gia đình có điều kiện nâng cao chất lượng sống, có thời gian dành cho việc nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật, sức khoẻ, góp phần bình đẳng giới,… thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.

 

Một biểu hiện khác vừa là kết quả, vừa là vai trò, đó là Việt Nam đang trong giai đoạn có “cơ cấu dân số vàng”- một thời cơ cho việc phát triển đất nước. Thời cơ này theo dự đoán sẽ kéo dài trong vòng 30 - 40 năm - diễn tiến đúng vào thời kỳ thực hiện mục tiêu đẩy mạnh CNH-HĐH, chuyển nước ta từ nước có thu nhập trung bình (thấp) sang nước có thu nhập trung bình và trung bình cao.

 

Đạt được kết quả trên là do việc đầu tư của Nhà nước được đẩy mạnh, sự đóng góp của xã hội, sự hỗ trợ của quốc tế trong lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình và nhất là do sự chuyển biến nhận thức của bản thân người dân.

 

Do đó, tuy đầu tư không nhiều, nhưng kết quả đạt được khá tích cực và có tính chất tổng hợp.

 

Tuy nhiên về vấn đề này chúng ta cũng cần lưu ý là mặc dù  tốc độ tăng dân số đã giảm liên tục, nhưng vẫn còn cao. Dân số năm 2010 đã đông gấp 5,6 lần năm 1921, gấp gần 3,8 lần năm 1951, gấp gần 1,8 lần năm 1976,… Số dân tăng trong 1 năm vẫn còn tới trên 900.00 người- đông hơn một số tỉnh. Mật độ dân số năm 2009 cao gấp trên 5,5 lần năm 1921 và đứng thứ hạng cao trong khu vực, ở châu Á và trên thế giới. Diện tích đất nông nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp, đất trồng lúa bình quân đầu người giảm. Tốc độ tăng dân số của nhiều tỉnh còn ở mức cao hơn nhiều tốc độ tăng chung, chủ yếu do tỷ lệ sinh còn cao.

 

 Theo kết quả tổng điều tra dân số, tỷ suất sinh thô (tính từ 1/4/2008 đến 1/4/2009) của cả nước là 17,6‰, thì của khu vực nông thôn là 17,9‰; của vùng núi và Trung du phía Bắc là 19,6‰; Tây Nguyên là 21,9‰.

 

 Hiện còn hơn 1/3 số tỉnh còn có số con tính trên 1 bà mẹ (còn gọi là tổng tỷ suất sinh) cao hơn mức sinh thay thế. Trong khi tổng tỷ suất sinh của cả nước là 2,03 thì của khu vực nông thôn là 2,15; vùng Tây Nguyên là 2,65; vùng đồng bằng sông Hồng 2,11; vùng ven biển miền Trung 2,21.

 

Tỷ lệ dân số thành thị đã tăng lên (từ 7,61% năm 1930 lên 10% năm 1951, lên 20,03% năm 1993, lên khoảng 30% năm 2010). Do tâm lý “trọng nam khinh nữ” còn khá phổ biến, nên số cặp vợ chồng sinh con thứ 3 còn nhiều và đã xuất hiện nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh số bé trai tính trên 100 bé gái ở nhiều nơi đã vượt 120. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (cân nặng theo tháng tuổi) đã giảm tương đối nhanh, hiện chỉ còn khoảng dưới 18% - nhưng vẫn còn là mức cao và tỷ lệ trẻ em thấp còi (suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi) vẫn còn cao hơn; trong khi đó đã xuất hiện một tỷ lệ đáng ngại trẻ em béo phì. Số năm đi học của người lớn, tỷ lệ số lao động đang làm việc qua đào tạo còn thấp và đang là một trong những điểm “nghẽn” hiện nay,…

 

Như vậy có thể thấy, tuy tốc độ tăng dân số giảm, nhưng chúng ta chưa thể chủ quan, thoả mãn mà còn phải tiếp tục đầu tư cho lĩnh vực này để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội qua đó nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của nhân dân.