Xây dựng cụm công nghiệp: Nhiều nhưng chưa mạnh

09:20, 05/01/2012

Hiện nay toàn tỉnh đã quy hoạch và xây dựng được 22 cụm công nghiệp (CCN), dự tính đến năm 2020 sẽ là 28 CCN…Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng CCN còn hạn chế, tỷ lệ lấp đầy dự án còn chậm…

Nhìn chung công tác phát triển CCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua có những chuyển biến tích cực. Từ năm 2002 đến 2007, tỉnh đã quy hoạch chi tiết 8 CCN; năm 2008 có thêm 5 CCN được thành lập; năm 2009 thêm 5 CCN nữa và đến năm 2011, tổng số đã là 22 CCN. Theo nhận định của các nhà quản lý thì mỗi địa phương trong tỉnh không cần quá nhiều các CCN, điều quan trọng là tỷ lệ lấp đầy dự án và chất lượng hoạt động của các dự án trong CCN đó ra sao. Bởi vậy, phát triển 28 CCN vào năm 2020 là con số tương đối thích hợp. Điều đáng quan tâm hiện nay lại là vấn đề đầu tư xây dựng hạ tầng CCN và thu hút các dự án tham gia. Đây là nội dung đáng phải bàn tính, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế đang rất khó khăn như hiện nay.

 

 

CCN Đu - Động Đạt (Phú Lương) là một trong các CCN được quy hoạch chi tiết từ khá sớm với diện tích 25,54ha. Dù vậy, đến năm 2010, CCN này mới có nhà đầu tư là HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công đăng ký và xây dựng hạ tầng với tổng vốn đầu tư trên 52 tỷ đồng. Tiến độ triển khai dự án tương đối chậm. Có 2 dự án đăng ký đầu tư là Nhà máy luyện cốc Thịnh Châu và Xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp Vũ Hoà dự kiến khởi công trong năm 2011 nhưng giờ vẫn chưa có hạ tầng để đầu tư. Dư luận đang đặt câu hỏi liệu kế hoạch đến năm 2013 sẽ lấp đầy khoảng 50% diện tích đất công nghiệp trong CCN này bởi hiện giờ chủ đầu tư hạ tầng của CCN vẫn đang "chậm rãi" san ủi mặt bằng.

 

CCN số 1, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) cũng được quy hoạch từ khá sớm, khoảng năm 2002 với chủ đầu tư xây dựng hạ tầng là Công ty CP xây dựng phát triển nhà Song Điền. Diện tích quy hoạch của CCN là 68,93 ha, tổng vốn đầu tư hạ tầng trên 149 tỷ đồng. Chủ đầu tư hạ tầng đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng theo dự kiến, song việc thu hút dự án lại đang gặp khó khăn. Hiện tại mới có một dự án đầu tư của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng nông thôn, triển khai sản xuất vật liệu xây dựng. Theo chúng tôi được biết, hiện tại CCN này có những khoảng đất trống chưa thu hút được dự án đã tạm thời cho doanh nghiệp bên ngoài vào thuê mặt bằng kinh doanh. Như vậy, việc lấp đầy 80% diện tích của CCN này trong giai đoạn 2014 - 2015 là không phải dễ dàng thực hiện.

 

Trên đây chỉ là 2 trong số cả chục CCN tiêu biểu cho việc triển khai xây dựng hạ tầng và thu hút dự án đầu tư vào CCN chậm. Trong tổng số 28 CCN quy hoạch đến năm 2020 thì hiện mới có 14 CCN có chủ đầu tư đăng ký xây dựng hạ tầng, trong đó hầu hết việc xây dựng hạ tầng đều chưa đạt được tiến độ đề ra. Cũng trong tổng số 54 dự án đăng ký và đầu tư vào các CCN trên địa bàn tỉnh  thời gian qua thì chỉ có gần 30 dự án đã chính thức đi vào sản xuất, kinh doanh, số còn lại là đang chờ mặt bằng, chưa đầu tư hoặc chuẩn bị đầu tư. Đánh giá về những tồn tại của các CCN hiện nay, các nhà chuyên môn cho rằng, việc đầu tư dự án của các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn do chính họ tự thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, do đó xảy ra trường hợp chủ đầu tư triển khai xây dựng theo hình thức cuốn chiếu làm ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư vào các CCN. Hơn nữa, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và di dân tái định cư của không ít dự án còn chậm. Cùng với đó, một số dự án khi triển khai tại CCN do thiếu vốn nên phải dừng đầu tư trong thời gian dài gây khó khăn cho công tác quy hoạch chung của CCN. Chính vì thế mà có thể khẳng định nhiều CCN trên địa bàn chưa thể phát triển mạnh theo yêu cầu đặt ra.

 

Tuy vậy, nếu chỉ nhìn một chiều thì quả chưa thật công bằng, bởi thời gian qua cũng ghi nhận một số CCN phát triển khá, trong đó không ít dự án đầu tư lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương. Tiêu biểu như: CCN Điềm Thụy, CCN số 2 T.P Thái Nguyên, CCN An Khánh 1, CCN Kha Sơn… và một số dự án lớn như: Nhà máy xi măng Quan Triều, Nhà máy nhiệt điện An Khánh, Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thái Nguyên, sản xuất vật liệu xây dựng của Doanh nghiệp Việt Cường, Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi Đại Minh, Nhà máy may Phú Bình…