Hiệu quả của các dự án từ nguồn vốn WB

10:23, 15/02/2012

Từ năm 1995 đến nay, Thái Nguyên đã nhận đươc 6 dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với số vốn cam kết 461,508 tỷ đồng. Trong đó hầu hết là vốn vay ưu đãi.

Trong số các dự án trên, có 2 dự án đã hoàn thành (Dự án dân số - sức khỏe gia đình; Dự án giao thông nông thôn 3), 3 dự án đang giai đoạn thực hiện chuẩn bị đưa vào sử dụng (Dự án năng lượng nông thôn II, Dự án cấp nước thị trấn Đu - Phú Lương và Thị trấn Đình Cả - Võ Nhai; Dự án phòng chống HIV/AIDS); 1 dự án chuẩn bị khởi công mới là Dự án năng lượng nông thôn II mở rộng (NLNTII). Tổng vốn đã đưa vào thực hiện là 210,535 tỷ đồng, bằng 46% vốn cam kết.

 

Nguồn vốn WB chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực: giao thông, cấp thoát nước, cấp điện và y tế. Trong điều kiện nguồn vốn của tỉnh còn hạn hẹp, sự hỗ trợ của nguồn vốn WB có ý nghĩa lớn đối với đầu tư nâng cấp , tăng cường cơ sở vật chất tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn còn khó khăn. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư: Trong những năm qua, cùng với nguồn vốn WB, tỉnh đã vận động các nhà tài trợ và đầu tư  một phần vốn ngân sách để hoàn thiện các dự án do WB tài trợ là chính. Từ đó tỉnh đã thực hiện xây dựng được 8 tuyến đường giao thông nông thôn theo tiêu chuẩn đường cấp VI miền núi với chiều dài 54 km ở một số huyện: Đồng Hỷ, Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên, Phú Bình...Ngoài ra, bảo trì 9 tuyến đường tỉnh với chiều dài 51,5 km; bảo dưỡng 22 tuyến đường với chiều dài 162,3 km; góp phần nối trung tâm huyện, trung tâm cụm xã với các trung tâm y tế trong vùng và khu vực.

 

Qua đó, không những cải thiện điều kiện đi lại cho người dân vùng khó khăn mà còn cải thiện khả năng phân phối hàng nông nghiệp, tiếp cận thị trường hàng hóa, giao lưu buôn bán thuận tiện. Trong lĩnh vực cấp điện, nguồn vốn WB đã góp phần tạo điều kiện cho tỉnh thực hiện đấu nối và đóng điện 180 trạm biến áp tại 29/30 xã thuộc Dự án NLNTII; xây dựng 527 km đường dây và lưới điện hạ thế 0,4kv đưa điện lưới quốc gia về phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đối với lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường đã triển khai 2 công trình cấp nước tại thị trấn Đu (Phú Lương) và Đình Cả (Võ Nhai) với công suất mỗi công trình 600m3/ngày đêm.

 

Theo ông Tô Đình Hựu, Chủ tịch UBND thị trấn Đình Cả cho biết: Hiện nay, các hộ dân ở thị trấn vẫn đang sử dụng nước ở một công trình nước sạch đã được đầu tư từ lâu, nhưng công suất nhỏ, chỉ đáp ứng nước sinh hoạt cho trên 50% hộ dân (tổng số 900 hộ). Vì vậy, nhiều hộ dân vẫn chưa được sử dụng nước đảm bảo chất lượng. Công trình mới được đầu tư với nguồn kinh phí WB gần 11 tỷ đồng (trong đó vốn WB gần 9 tỷ đồng) đang  chuẩn bị đưa vào sử dụng, sẽ giúp cho trên 90% hộ dân của thị trấn và một số hộ dân ở các xã lân cận như Phú Thượng, Lâu Thượng được dùng nước sạch”.

 

Ông Chu Hồng Thắng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Với điều kiện cơ sở vật chất của ngành trong những năm 1996 còn rất thiếu thốn và xuống cấp nghiêm trọng, được nguồn vốn WB hỗ trợ là chủ yếu, cùng với các nguồn vốn của ngân sách, ngành Y tế đã được đầu tư xây dựng được 141 trạm y tế xã, 7 khoa sản, phòng mổ, ở các bệnh viện huyện; 5 nhà y tế bản, 1 trung tâm bảo vệ bà mẹ và trẻ em, 1 trung tâm dân số sức khỏe gia đình; cung cấp 12 xe cứu thương và nhiều máy móc, thiết bị y tế và thuốc thiết yếu cho các cơ sở y tế trong tỉnh. Từ đó đã đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân nói chung, nhất là chăm sóc sức khỏe sinh sản kế hoạch hóa gia đình nói riêng. Ngoài ra, nguồn vốn còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống y tế dự phòng (đào tạo sau đại học và đào tạo năng lực cho 250 cán bộ y tế tuyến huyện, xã và bồi dưỡng nâng cao trình độ cho gần 100 lượt cán bộ kỹ thuật viên)…

 

Đặc biệt, Dự án phòng chống HIV/AIDS thực hiện từ năm 2006 đến nay ở 5 địa phương: TPTN, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phổ Yên, Đại Từ (dự kiến Dự án sẽ thu nhỏ trong năm nay). Nhờ có sự hỗ trợ vốn (32 tỷ 714 triệu đồng từ nguồn vốn WB và 365 triệu đồng từ vốn đối ứng của tỉnh), ngành đã triển khai nhiều hoạt động về truyền thông, hỗ trợ can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây lan (cấp bơm kim tiêm, bao cao su). Vì vậy, tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS ở các huyện, thành trên đã giảm. Ngoài ra, nguồn vốn còn hỗ trợ 2 cơ sở ở phường Trung Thành và Túc Duyên (TPTN) điều trị thay thế nghiên cứu các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đang có tiến triển tốt.

           

Tóm lại, nguồn vốn ODA vào địa bàn tỉnh còn ít (chiếm 14% so với nhu cầu, trong đó vốn WB là chủ yếu), song bước đầu đã góp phần bổ sung vốn đầu tư nâng cấp nhiều công trình hạ tầng kinh tế quan trọng ở địa phương; thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào các thành phần kinh tế, góp phần tăng trưởng  GDP của tỉnh; hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa và thúc đẩy thương mại phát triển; cải thiện môi trường, câng cao chất lượng cuộc sống người dân…

 

Thấy được ý nghĩa quan trọng của nguồn vốn này nên tại Đại hội XVIII của Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu phấn đấu: tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh trong nhiệm kỳ đạt 12,5% trở lên, thì tổng nhu cầu vốn của cả giai đoạn (2011-2015) sẽ là 50 nghìn tỷ đồng, trong đó xác định rõ vốn ODA huy động cần khoảng 15 nghìn tỷ đồng (chiếm 30%). Vì vậy, tại cuộc họp gần đây với Ngân hàng Thế giới, tỉnh đã đề nghị với WB xem xét và tạo điều kiện tiếp cận, thu hút sử dụng vốn WB để thực hiện một số dự án như: Nâng cấp và phát triển hạ tầng đô thị TPTN; xây dựng hệ thống thoát nước và giao thông thị xã Sông Công; xây dựng và nâng cấp các hồ, đập thủy lợi và các huyện miền núi; xây dựng hệ thống các tuyến đường giao thông nông thôn.

 

Tuy nhiên, từ những dự án đã triển khai cho thấy: để vận động, thu hút được nguồn vốn và thúc đẩy các dự án thực hiện đúng tiến độ có hiệu quả, giải ngân đúng tiến độ, các địa phương được hưởng lợi dự án, các cơ quan chức năng cần giải quyết tốt các vướng mắc đã xảy ra trong quá trình thực hiện như vấn đề: giải phóng mặt bằng; tái định cư, các thủ tục đấu thầu, thủ tục phê duyệt dự án. Có như vậy mới tạo cơ sở sớm tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn WB và thúc đẩy thu hút các nguồn vốn khác, nhất là vốn FDI để đầu tư cho phát triển.