Dự án Nhà hát ca múa dân gian Việt Bắc (T.P Thái Nguyên) nằm trong danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh và của Bộ Văn hóa- thể thao và du lịch. Sau một thời gian dài đình trệ, hiện việc triển khai Dự án đang có những tiến triển tích cực…
7 năm, giải phóng mặt bằng gặp khó
Dự án Nhà hát ca múa dân gian Việt Bắc (gọi tắt là Dự án) được Bộ Văn hóa- thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch) phê duyệt đầu tư ngày 16-9-2003, địa điểm xây dựng tại tổ 24, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên), với tổng vốn đầu tư 175,32 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Đây là một trong những dự án trọng điểm của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoa - Thể thao và du lịch) và cũng nằm trong danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh. Là một thiết chế văn hoá quan trọng của 6 tỉnh phía Bắc, công trình hoàn thành sẽ góp phần khẳng định và nâng cao vị thế trung tâm vùng của tỉnh ta.
Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành năm 2007, nhưng đến nay vẫn chưa thể được khởi công, một trong những nguyên nhân được xác định là do vướng mắc về mặt bằng. Giai đoạn 1 của quá trình giải phóng mặt bằng, tính đến ngày 7-10-2008, UBND T.P Thái Nguyên đã giải phóng và bàn giao cho chủ đầu tư (Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc) được 8.831 m2 đất (chiếm 87,5% diện tích theo Quyết định số 853/QĐ-UB ngày 20-4-2004 của UBND tỉnh về việc thu hồi đất và giao đất cho Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc). Giai đoạn 2 của quá trình này gặp phải khó khăn lớn khi tiến hành giải tỏa 17 hộ dân bám mặt đường Hoàng Văn Thụ, các hộ không hợp tác do thắc mắc về những vấn đề: giá đền bù, quy hoạch và khu vực tái định cư.
Trước tình hình đó, UBND T.P Thái Nguyên đã tăng cường chỉ đạo Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố, Tổ Công tác và phường Hoàng Văn Thụ tích cực thực hiện công tác tuyên truyền vận động. Nhiều cuộc đối thoại trực tiếp đã được tổ chức, các cơ quan chức năng qua đó đã giải đáp tất cả thắc mắc của các hộ dân theo pháp luật đất đai hiện hành, đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của người dân. Cùng với đó, phường Hoàng Văn Thụ, tổ dân phố số 24 và Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố đã nhiều lần cử cán bộ đến từng hộ dân để tuyên tuyền vận động.
Tuy nhiên, tính đến đầu năm 2011, kết quả vẫn gần như chỉ dừng lại… ở con số không. Các hộ không hợp tác vẫn với những lý do đã nêu. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ: dự toán công trình sẽ phải điều chỉnh tăng (hiện tại đã ở mức trên 300 tỷ đồng); chủ đầu tư phải hoàn số dư vốn đã tạm ứng để chi cho giải phóng mặt bằng; phần đất gần 10.000 m2 đã được giải phóng vẫn bị bỏ trống gây lãng phí. Điều này còn tạo ra tiền lệ không tốt trong việc triển khai các dự án, nhất là dự án trọng điểm của tỉnh trong thời gian tới.
Và những chuyển biến tích cực gần đây
Tính từ tháng 4 đến hết tháng 12-2011 đã có 10/17 hộ chấp thuận phương án bồi thường, nhận tiền đền bù và cam kết bàn giao mặt bằng, trong đó có 4 hộ đã bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư đã giải ngân được 31/34 tỷ đồng theo kế hoạch. Như vậy, tổng diện tích đã giải phóng được là xấp xỉ 9.500 m2, chiếm 95% diện tích mà Dự án được phê duyệt (10.094,25 m2). Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đồng thời là người được giao phụ trách Dự án cho biết: Việc chỉ đạo sát sao của UBND T.P Thái Nguyên, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, nhất là trong công tác tuyên truyền vận động đã làm thay đổi nhận thức của người dân. Năm 2012, chúng tôi được cấp 48 tỷ đồng, đảm bảo kế hoạch giải phóng mặt bằng 7 hộ còn lại và triển khai các thủ tục để tiến hành khởi công. Về việc chưa tiến hành khởi công khi đã được bàn giao 95% diện tích, bà Hồng cho hay: chúng tôi đã đề nghị, nhưng Bộ Văn hóa- Thể thao và du lịch có công văn trả lời rằng: chưa khởi công trước khi giải phóng xong toàn bộ mặt bằng, bởi lo ngại nếu tiến hành xây dựng trong khi còn vướng mặt bằng sẽ làm cho quá trình kéo dài và công trình không đảm bảo thiết kế.
Trao đổi với đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất T.P Thái Nguyên, chúng tôi được biết: Trong 7 hộ còn lại thì 3 hộ có người là đảng viên, trong đó có 2 người hiện là cán bộ, công chức. Bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức, Trung tâm cùng với Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành phố đã gửi các công văn lên Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tỉnh đề nghị báo cáo UBND tỉnh có biện pháp và chỉ đạo cụ thể. Trong thời gian tới, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh và thành phố, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng dự án này, phấn đấu sớm bàn giao toàn bộ diện tích cho chủ đầu tư và chúng tôi cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Được biết, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đã trình và được Bộ Văn hóa- Thể thao và du lịch phê duyệt phương án thiết kế công trình vào đầu tháng 2-2012; kiện toàn lại bộ phận phụ trách Dự án (tháng 4-2011), sẵn sàng mọi thủ tục để khi xong mặt bằng sẽ lập tức khởi công.