Ngày 14/4, TP. Hồ Chí Minh đã khởi công xây dựng cầu Sài Gòn 2 bên cạnh cây cầu Sài Gòn hiện hữu. Dự án có ý nghĩa quan trọng đảm bảo tính đồng bộ của tuyến xa lộ Hà Nội, nâng cao năng lực giao thông cửa ngõ Đông Bắc TP.
Phát lệnh khởi công dự án, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng việc đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2 là một trong những bước tiếp nối quan trọng trong nhịp độ phát triển hạ tầng TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là nhiệm vụ cấp bách nhằm giảm tải cho cầu Sài Gòn đã quá tải, quy mô lạc hậu vì đã xây dựng từ lâu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đi ra miền Trung và miền Bắc.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc TP lựa chọn mô hình đầu tư xã hội hóa dự án cầu Sài Gòn 2 cũng như nhiều công trình hạ tầng khác, phù hợp với Nghị quyết 11 của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô và cắt giảm đầu tư công.
Để đảm bảo công trình sớm đưa vào vận hành, phục vụ đi lại của người dân, Phó Thủ tướng đề nghị TP chỉ đạo di dời hạ tầng kỹ thuật, mặt bằng theo đúng tiến độ đề ra, kịp thời giải quyết khó khăn phát sinh trong quá trình thi công. Chủ đầu tư tập trung huy động mọi nguồn lực về vốn để cho thi công, đảm bảo chất lượng công trình, kiến trúc cảnh quan.
Cầu Sài Gòn 2 được xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao, thiết kế và thi công trong 21 tháng, với 3 nhà thầu thi công là Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1), Công ty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Công ty CP 565.
Cầu có tuổi thọ thiết kế là 100 năm, tổng chiều dài 987,32m, gồm 30 nhịp, với bề rộng 23,5m. Đường đầu cầu phía Q.Bình Thạnh dài 350m, phía Q.2 dài 117m, tổng mức đầu tư của dự án là 1.495,520 tỉ đồng.
Cầu Sài Gòn 2 sẽ giúp giảm tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu, giải tỏa ùn tắc giao thông, đảm bảo tính đồng bộ với quy mô của tuyến xa lộ Hà Nội sau khi được mở rộng, phù hợp theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
* Cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã đi kiểm tra, khảo sát một số dự án hạ tầng trọng điểm của TP. Trong đó có công trình cầu Bình Lợi hiện đang được nhà thầu gấp rút hoàn thiện để cùng với cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn đảm nhận phần lớn lượng phương tiện giao thông lưu thông từ khu vực trung tâm TP qua sông Sài Gòn và ngược lại.