Cải thiện sức hấp dẫn dài hạn thị trường Việt Nam

07:58, 30/05/2012

Ngày 29/5, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012, một hoạt động thường niên trước thềm Hội nghị giữa kỳ Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Từ ổn định đến phục hồi kinh tế.”

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định trước tình hình nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam gặp nhiều bất ổn, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 với những giải pháp hiệu quả tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

 

Với sự giúp đỡ của các tổ chức hỗ trợ quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, đến nay Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu, kinh tế vĩ mô từng bước đi vào ổn định, lạm phát giảm dần mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Chính vì vậy, Việt Nam luôn coi trọng ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển nền kinh tế bền vững, lâu dài, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái hơn mục tiêu tăng trưởng.

 

Diễn đàn là một kênh đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

 

Cần môi trường đầu tư dài hạn

 

Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tin tưởng, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn.

 

Tuy nhiên, ông Preben Hjortlund chỉ ra những khó khăn khách quan trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

 

Bởi, hoạt động đầu tư trong môi trường quốc tế hiện nay cũng không thực sự khả quan. Sau hai mươi năm của thời kỳ bong bóng tín dụng, thế giới đang phải đối mặt với một thời kỳ mà lượng tiền dù từ các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tín dụng ngân hàng, hay viện trợ đều hạn chế hơn rất nhiều so với trong quá khứ và không ai biết giai đoạn này sẽ kéo dài trong bao nhiêu năm.

 

“Điều này có nghĩa là Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư hiện đang thiếu kiên nhẫn hơn và khắt khe hơn so với trong quá khứ. Đây là điều không dễ chịu gì, nhưng lại là thực tế mà Việt Nam phải đối mặt. Do đó, Việt Nam sẽ có rất nhiều việc cần tiến hành để cải thiện sức hấp dẫn trong dài hạn của thị trường nhằm thu hút nguồn đầu tư nước ngoài.” Ông Preben Hjortlund nhấn mạnh.

 

Đại diện Phòng thương mại Mỹ, Phó chủ tịch AmCham Việt Nam, ông Mark Gillin lạc quan về triển vọng hợp tác thương mại Việt-Mỹ cho biết, hiện thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng đáng kể trong mười năm qua, từ mức 1,5 tỷ đô la Mỹ trong năm 2001 lên hơn 22 tỷ đô la Mỹ vào năm 2011.

 

Ngoài việc tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các công ty Mỹ, vẫn đánh giá một cách tích cực về cơ hội tại Việt Nam.

 

Tuy nhiên, ông Mark Gillin cũng chỉ ra sự xuống hạng “Chỉ số Niềm tin FDI” của Việt Nam, từ vị trí thứ 12 trong năm 2010 xuống vị trí thứ 14 vào năm 2011.

 

Trong khi đó, Indonesia đã tăng hạng từ vị trí thứ 20 trong năm 2010 lên vị trí thứ 9 năm 2011, vốn đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục 19,3 tỷ đô la Mỹ, gấp đôi năm trước. Ngoài ra, Malaysia cũng tăng hạng từ vị trí thứ 21 lên vị trí thứ 10. Điều này chỉ ra, Việt Nam có một số đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ về FDI trong ASEAN.

 

Do đó, ông Mark Gillin tập trung đề xuất vào hai lĩnh vực cải cách doanh nghiệp nhà nước và dự thảo sửa đổi Luật Lao động. Nâng cao hiệu quả đầu tư công và hoàn thiện tính minh bạch, đó là điều cần thiết để hỗ trợ Việt Nam tiến đến việc đạt mức thu nhập trung bình.

 

Do đó, ông Mark Gillin cho rằng Việt Nam cần một sân chơi để tối đa hóa tiềm năng của mình. Khi trình độ dân trí nâng cao và sản xuất trở nên tinh vi hơn, những nhu cầu xã hội về lòng tin, khả năng dự đoán và một sân chơi "cạnh tranh trung lập" sẽ được phát triển.

 

"Đã đến lúc cần thiết nhấn mạnh đến tính hiệu quả của đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và những cải cách khác, cho dù điều này gây ra những hạn chế về phát triển trong ngắn hạn,” ông Mark Gillin nói.

 

"Giải cứu" nên hướng vào trọng tâm

 

Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng lớn từ những tác động của kinh tế vĩ mỗ.

 

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc cho biết, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là chi phí vốn cao, thị trường thu hẹp, trong khi hàng tồn kho cao, rủi ro về thị trường, rủi ro về vĩ mô... Các doanh nghiệp lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, tỷ lệ doanh nghiệp ngừng sản xuất và giải thể trong năm 2011 và quý I/2012 chiếm khoảng 8,4%, (trong đó ngừng sản xuất 4,3% và giải thể 4,1%).

 

Theo kết quả điều tra của VCCI, mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh năm nay của doanh nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005 trở lại đây, trong đó nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa kém lạc quan hơn so với các doanh nghiệp lớn.

 

Từ thực tế đó, đại diện cộng đồng doanh nghiệp trẻ Hà Nội bày tỏ quan ngại về những vấn đề liên quan tới điều hành kinh tế vĩ mô, phát triển công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ, hạ tầng giao thông đô thị và phát triển nguồn nhân lực.

 

Theo cộng đồng doanh nghiệp trẻ Hà Nội, gói giải cứu mới đây được tính toán là 29.000 tỷ đồng chưa đủ hấp dẫn và khó phát huy tác dụng vì phụ thuộc vào yếu tố doanh nghiệp có khả năng đẩy thêm hàng ra thị trường, giải quyết hàng tồn kho hay có lãi để đóng thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp hay không.

 

Chính phủ cần trợ giúp doanh nghiệp bằng nguồn tiền có lãi suất ưu đãi, dựa trên các tiêu chí về công nghiệp, công nghệ và đảm bảo việc làm chứ không nên dựa vào tiêu chí đánh giá “phương án kinh doanh có hiệu quả” của cán bộ ngân hàng thương mại để tập trung các nguồn lực quốc dân cho sự phát triển bền vững.

 

Ngoài ra, trong tình hình các "đầu tàu" doanh nghiệp nhà nước chưa phát triển được công nghiệp và sản phẩm lõi cho cả thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu.

 

Chính phủ cần khẩn trương có những biện pháp hữu hiệu thúc đẩy công nghiệp này, như cấp tài chính trực tiếp khi có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho công nghiệp lõi, tạo điều kiện mở rộng quy mô đất đai, nhà xưởng, công nghệ, tiếp cận nghiên cứu khoa học, đào tạo tay nghề chất lượng cao, hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xúc tiến sản phẩm qua triển lãm, hội nghị giao thương.

 

“Nóng” vấn đề hạ tầng

 

Bên cạnh đó, vấn đề hạ tầng cơ sở cũng được đại diện các nhóm doanh nghiệp đề cập, bàn thảo. Sự quá tải tại các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh gây ra rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Phát triển giao thông đi ngược lại xu thế của thế giới về phát triển ô-tô, dẫn đến ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm bụi, khói và chiếm dụng thời gian, gây hại cho sức khỏe của doanh nghiệp và công dân từ việc tắc nghẽn giao thông.

 

Điều này đẩy chi phí gián tiếp của doanh nghiệp gia tăng do các loại phí giao thông phát triển mà chưa thực sự phát huy hiệu quả trong cải tạo quy hoạch đô thị, phát triển công trình giao thông.

 

Trong khi việc triển khai các dự án làm đường trên không bằng thép, làm nhà xe công cộng vẫn chưa được xã hội hóa, minh bạch hóa khiến các giải pháp giao thông đô thị vẫn còn tồn tại những ẩn số lớn.

 

Ông Sigmund Stromme, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khối Bắc Âu chỉ ra tình trạng mực nước biển liên tục tăng, lượng mưa nhiều hơn, trữ lượng nước suy giảm, và lớp bồi đắp bị xói mòn đã gây tổn thất cho thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2011 và gây ra những đợt mưa lớn đầu tiên trong năm 2012.

 

Những khoản đầu tư cần thiết liên quan đến vấn đề nước, bao gồm nước thải và phòng chống lũ lụt có trị giá ước tính khoảng 10 tỉ đô la. Sự cần thiết trong việc thu hút những khoản đầu tư từ phía khu vực tư nhân đang tiếp tục gia tăng.

 

“Chúng tôi đánh giá cao những cải thiện trong môi trường pháp lý tại Việt Nam để thu hút những khoản đầu tư này, tuy nhiên Việt Nam cần phát triển một phương án tiếp cận quyết liệt hơn cùng với các nước trong khu vực ASEAN,” ông Sigmund Stromme nói.

 

EuroCham đưa ra dự báo, cho đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần hơn 150 tỷ USD để phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bao gồm các hệ thống giao thông, cầu đường, các nhà máy điện, hệ thống cấp nước và các nhà máy xử lý chất thải.

 

Trong khi đó, các nguồn vốn truyền thống như ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và nguồn hỗ trợ phát triển từ các Chính phủ nước ngoài chỉ có thể đáp ứng được một nửa nhu cầu trên.

 

Điều này có nghĩa là 50% nguồn vốn đầu tư phải huy động từ các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài còn đang cân nhắc khi đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng do lo ngại về hiệu quả đầu tư, tỷ lệ thu hồi lãi và sự bảo đảm về vốn.

 

“Những nguyên nhân chính dẫn đến sự thờ ơ của nhà đầu tư nước ngoài đó là việc phân bổ rủi ro kém hiệu quả, các yêu cầu hành chính phức tạp, thiếu minh bạch trong thủ tục đấu thầu và việc giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian và chi phí trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng,” ông Preben Hjortlund nói./.