Làn sóng đầu tư mới của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam

16:38, 08/05/2012

Tính từ đầu năm 2012 đến nay, trong số 32 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư mới vào 31 tỉnh, thành phố của Việt Nam, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu với số vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,86 tỷ USD, chiếm 67,1% tổng vốn đầu tư mới vào Việt Nam.

“Làn sóng” đầu tư từ Nhật Bản

 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến nay Nhật Bản đứng thứ 4/94 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam với 1.664 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư là 23,6 tỷ USD.

 

Ông Hideo Okubo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành Tập đoàn Forval (Nhật Bản), cho biết Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đúng như kết quả điều tra đầu tư nước ngoài của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro). Ngoài ra, kết quả điều tra trực tuyến của một tờ báo uy tín tại Nhật Bản cũng cho thấy Việt Nam là địa điểm hấp dẫn nhất để mở cơ sở sản xuất, hơn cả Ấn Độ và Thái Lan.

 

Ông Sakae Yoshida, Giám đốc Jetro, cũng cho biết từ tháng 4/2011 đến nay, đã có trên 2.400 nhà đầu tư Nhật Bản đăng ký tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam thông qua Jetro. Nếu tính cả các doanh nghiệp không qua Jetro, con số này còn cao hơn nhiều lần.

 

Đáng chú ý, nếu như trước đây, phần lớn các nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam là những doanh nghiệp, tập đoàn lớn, thì gần đây, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản cũng mạnh dạn xúc tiến đầu tư.

 

Ông Hiroshi Hiramoto, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Nhật Bản (JSI), cho biết các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm và đang xúc tiến tìm cơ hội đầu tư, mua cổ phần ở những doanh nghiệp Việt Nam hoạt động hiệu quả, đặc biệt là những tập đoàn tư nhân lớn.

 

 

Thực tế, thời gian qua, các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản đã tham gia mua cổ phần của rất nhiều công ty Việt Nam với số vốn hàng trăm triệu USD. Bằng chứng là trong những thương vụ mua cổ phần quy mô lớn gần đây luôn có mặt các nhà đầu tư Nhật Bản.

 

Cụ thể, Tập đoàn Mizuho Bank đã sẵn sàng trả giá cao hơn thị giá rất nhiều để sở hữu 15% cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), với giá trị tương ứng 570 triệu USD. Tương tự, hãng bánh kẹo Ezaki Glico mua 10,5% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) hoặc DI Asian Industrial Fund tham gia mua 31% vốn của Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC)…

 

Các doanh nghiệp Việt Nam đón cơ hội

 

Tháng 6 tới, một phái đoàn doanh nghiệp Việt Nam sẽ có chuyến công du tới Osaka để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với các nhà đầu tư Nhật Bản. Trước đó, bên lề một hội thảo về đầu tư của Nhật Bản được tổ chức tại Việt Nam, ông Lê Kim Thắng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Quế Võ IDICO (Bắc Ninh) cho biết, IDICO sẵn sàng xây dựng các khu nhà xưởng nhỏ (standard factory - diện tích vài trăm đến 1.000m²) để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp vệ tinh chuyên cung cấp linh, phụ kiện cho các hãng lớn như Toyota, Honda...

 

Ông Hồ Quang Phúc, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Cải thiện môi trường đầu tư Vĩnh Phúc, cho biết, đơn vị này đang xúc tiến việc triển khai xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt cho nhà đầu tư Nhật Bản, với những khu nhà xưởng nhỏ.

 

“Phải làm ngay, dù chưa làm đại trà, nếu không, chúng ta có thể mất cơ hội”, ông Phúc nói.

 

Ở góc độ địa phương, Hải Phòng đang nổi lên là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư Nhật Bản. Thành phố này hiện đứng thứ hai trong cả nước về thu hút vốn FDI với 926 triệu USD, chỉ xếp sau tỉnh Bình Dương (hơn 1,26 tỷ USD). Cùng với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bên cạnh việc “chiêu dụ” những “tập đoàn cá mập”, Hải Phòng đã chú trọng phát triển mô hình khu công nghiệp chuyên biệt, phụ trợ nhắm tới các nhà đầu tư Nhật Bản vừa và nhỏ.

 

Thực tế, trong số các dự án FDI Nhật Bản vào Hải Phòng từ đầu năm đến nay, ngoài hai dự án lớn nhất là Bridgestone và Nipro Pharma Việt Nam, đã có nhiều dự án nhỏ khác như Zeon Việt Nam, vốn đầu tư 25 triệu USD; Nishina Việt Nam, vốn đầu tư 12 triệu USD... sản xuất các sản phẩm kim loại, trang thiết bị và dụng cụ y tế, phụ kiện các sản phẩm viễn thông, điện tử; thiết bị thủy lực cho máy xây dựng và các loại xe công nghiệp.

 

Còn theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng, tính đến thời điểm đầu tháng 4/2012, toàn thành phố có 54 dự án đầu tư từ Nhật Bản, trong đó, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ đang trong xu hướng tăng lên.

 

Điều cần nói thêm là theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chất lượng vốn (có hàm lượng công nghệ cao) cũng như cơ cấu đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản (86% tập trung vào công nghiệp chế tạo và chế biến) rất phù hợp với định hướng thu hút FDI của Việt Nam; tạo ra tác động lan tỏa sâu rộng đối với nền kinh tế.

 

Nhiều năm nay, Nhật Bản không chỉ nằm trong tốp các nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất, mà còn là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam. Điều này cho thấy quan hệ với Việt Nam được phía Nhật Bản đặc biệt coi trọng và hoàn toàn có cơ sở để tin rằng dư địa thu hút nguồn vốn FDI Nhật vẫn còn rất lớn.