Bảo đảm thực hiện dự án đầu tư bằng đặt cọc, ký quỹ, bảo lãnh

14:05, 28/06/2012

Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư và nhà đầu tư có thể thỏa thuận biện pháp bảo đảm nghĩa vụ thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư. Việc bảo đảm này được áp dụng theo một trong các biện pháp: đặt cọc, ký quỹ, bảo lãnh.  

Đó là một trong những nội dung mới tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, thay thế Nghị định 108/2006/NĐ-CP đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến nhân dân.

 

Theo đó, để bảo đảm việc thực hiện dự án đầu tư, dự thảo bổ sung quy định cho phép cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư và nhà đầu tư có thể thỏa thuận biện pháp bảo đảm nghĩa vụ thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư. Thỏa thuận này được ký kết giữa 2 bên tại thời điểm nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và có hiệu lực trong thời hạn do các bên thỏa thuận.

 

Việc bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được áp dụng theo một trong các biện pháp: đặt cọc, ký quỹ, bảo lãnh. Trong đó, tài sản bảo đảm, thời gian có hiệu lực của tài sản bảo đảm, trình tự, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm và quyền, nghĩa vụ có liên quan của mỗi bên được thỏa thuận tùy thuộc vào mục tiêu, tính chất, quy mô của dự án và phù hợp với quy định của pháp luật dân sự, quy định của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và pháp luật có liên quan.

 

Xác định tiến độ thực hiện dự án trong Giấy chứng nhận đầu tư

 

Dự thảo quy định rõ các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương trước khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư như: Các dự án đầu tư không thuộc dự án quan trọng quốc gia, không phân biệt nguồn vốn mà có tổng vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên; dự án, công trình phải di dân từ 10.000 người trở lên ở miền núi và 20.000 trở lên ở vùng khác; dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên có quy mô từ 50ha trở lên…

 

Cũng để xác định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư về tiến độ thực hiện dự án đầu tư, dự thảo quy định bổ sung một số nội dung mới trong Giấy chứng nhận đầu tư như: tiến độ góp vốn, huy động vốn; tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động (nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động, hạng mục chủ yếu của dự án (trường hợp dự án thực hiện theo từng giai đoạn phải quy định mục tiêu, nội dung hoạt động của từng giai đoạn)…