Khoanh vùng du lịch để bảo tồn, đồng thời chọn vùng đất núi để mở rộng khu công nghiệp là thông điệp về chiến lược thu hút đầu tư giai đoạn tới của tỉnh Ninh Bình.
Chiếm ưu thế trong số 20 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư được UBND tỉnh Ninh Bình dự kiến đưa ra tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Ninh Bình năm 2012 (sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11/2012), 9 dự án trong lĩnh vực công nghiệp, 4 dự án trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và đô thị đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Sự quan tâm này không chỉ bởi tính đa dạng của những dự án đưa ra kêu gọi đầu tư, mà quan trọng hơn, là sự va chạm mang tính tất yếu của những dự án này, với mũi nhọn phát triển du lịch đã được Ninh Bình đặt trọng tâm cho những năm tới đây. Nếu không có giải pháp rõ ràng, Ninh Bình rất khó thuyết phục được các nhà đầu tư trong cả lĩnh vực công nghiệp và du lịch đến với mình.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đinh Quốc Trị, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình thừa nhận, mâu thuẫn này chính là bài toán khó mà Ninh Bình đã phải nỗ lực tìm lời giải nhằm tạo sự rõ ràng, minh bạch trong chính sách thu hút đầu tư của mình. “Lâu nay, Ninh Bình vẫn chọn hai mũi nhọn trong phát triển kinh tế là vật liệu xây dựng và du lịch. Các dự án vẫn đang tuân thủ các quy hoạch được duyệt. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít xung đột giữa các dự án trong hai lĩnh vực đã xảy ra. Ninh Bình đã phải cân nhắc, thay đổi quy hoạch một số vùng để giải tỏa xung đột”, ông Trị cho biết.
Nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn đã được đưa ra. Thứ nhất, từ năm 2005, tỉnh đã khoanh vùng phát triển du lịch. Trong khu vực này, không có bất cứ dự án công nghiệp vật liệu xây dựng nào được chấp nhận. Các dự án được cấp phép trước đó được kiểm soát chặt chẽ để giảm thiểu tác động tới môi trường, cảnh quan. “Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục kêu gọi đầu tư vào xây dựng các khu công nghiệp tại các địa điểm đã được Chính phủ phê duyệt, mở rộng địa bàn cho các dự án công nghiệp”, ông Trị nói.
Cụ thể, với các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, địa điểm được lựa chọn để đặt nhà máy là Khu công nghiệp Phúc Sơn và Khu công nghiệp Tam Điệp mở rộng. Đây cũng là hai dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp trong danh sách ưu tiên thu hút đầu tư của Ninh Bình trong năm nay.
Theo ông Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình, các khu công nghiệp này, nhất là Khu công nghiệp Tam Điệp mở rộng, có lợi thế là không nằm trong vùng đất lúa. “Hiện tại, Khu công nghiệp Tam Điệp đã lấp đầy gần 100% diện tích (100 ha). Chúng tôi đang muốn mở rộng thêm 300 ha để dành cho phát triển công nghiệp. Dự án Khu công nghiệp Phúc Sơn có diện tích 145 ha, nằm ngay tại TP. Ninh Bình, cũng đang được hưởng cơ chế ưu đãi đặc biệt. Chúng tôi muốn dành diện tích này cho các dự án công nghiệp sạch, công nghệ cao…”, ông Dũng cho biết thêm.
Đặc biệt, sự có mặt của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình, với công suất dự kiến là 1.200 MW, tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, đặt tại Khu công nghiệp Khánh Cư (huyện Yên Khánh), cũng có thể coi là một chiến lược rõ ràng cho phát triển công nghiệp và du lịch Ninh Bình. Lý do là, vài năm trước, chính UBND tỉnh Ninh Bình đã kiên quyết từ chối Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình II dự kiến đặt ngay cạnh Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình I, bởi lo ngại gây tác động tới cảnh quan, du lịch. “Không phải Ninh Bình không cần nhà máy điện, mà là chúng tôi muốn xác định địa điểm phù hợp cho dự án này. Với địa điểm mới tại Khu công nghiệp Khánh Cư, dự án nhiệt điện này sẽ cách xa trung tâm Thành phố, gần Cảng Ninh Phúc - cảng sông có quy mô lớn, thuận tiện trong vận chuyển than cho nhà máy sau khi hoàn thành”, ông Dũng phân tích.
Với quan điểm rõ ràng như vậy, 3 dự án du lịch khá đặc thù mà Ninh Bình đưa ra kêu gọi đầu tư trong dịp này, gồm Dự án Công viên động vật hoang dã quốc gia (huyện Nho Quan), Dự án Khu nghỉ dưỡng - dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp sản xuất nước khoáng xuất khẩu Kênh Gà (huyện Gia Viễn) và Dự án Xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao tại phường Đông Thành (TP. Ninh Bình) đang là cơ hội cho giới đầu tư trong lĩnh vực du lịch.