Đề cập đề xuất gần đây nhất của Công ty TNHH Sơn Trường liên quan tới Dự án Xây dựng cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), ông Nguyễn Mạnh Ứng, Phó tổng thư ký Hội Cảng - Đường thủy - Thềm lục địa Việt Nam (VAPO) cho rằng, nên chấm dứt những đề xuất không có tính khả thi, gây phân tâm, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai Dự án.
Sở dĩ phải dùng từ “gần đây nhất” là bởi, nhiều khả năng, đây chưa phải là phương án cuối mà doanh nghiệp tư nhân tại Hải Phòng này đưa ra.
Điểm đáng chú ý nhất trong đề xuất lần này là việc Sơn Trường đột ngột thay đổi vị trí xây dựng Cảng so với phương án mà doanh nghiệp này đề xuất trước đây. Cụ thể, vị trí xây dựng cảng Lạch Huyện đã được Sơn Trường “kéo” về doi cát đảo Cát Hải, thay vì xây dựng bến ở ngoài cửa biển ở nơi có độ sau tự nhiên từ -16 m đến -20 m (hệ hải đồ).
Cần phải nói thêm rằng, theo phương án đầu tư của Bộ Giao thông - Vận tải, cảng Lạch Huyện cũng được xây dựng ở đảo Cát Hải.
Theo tính toán của Sơn Trường, nếu đưa cảng về vị trí mới, tổng mức đầu tư xây dựng Hợp phần A (hạ tầng) là 19.200 tỷ đồng, dự kiến đầu tư bằng vốn ODA. Đáng lưu ý là, chi phí đầu tư Hợp phần A mà Sơn Trường đề xuất còn cao hơn phương án đầu tư được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt là 18.627 tỷ đồng.
Đối với Hợp phần B (xây dựng bến), Sơn Trường đề nghị “gạt” Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) ra khỏi liên doanh theo hình thức PPP với các công ty Nhật Bản, do lo ngại rằng, sự yếu kém của đơn vị này sẽ dẫn tới việc bị đối tác ngoại thôn tính. Thay vào đó, “ứng cử viên” mà Sơn Trường giới thiệu lại là cảng Hải Phòng – một công ty con của Vinalines và... chính Công ty Sơn Trường.
“Đây là điều hết sức ngạc nhiên, bởi từ trước đến nay, trong các cuộc làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải, Tổng hội Xây dựng, cũng như báo giới, Sơn Trường luôn khẳng định không có ý định tham gia vào cảng Lạch Huyện”, ông Ứng cho biết.
Cũng theo ông Ứng, hiện tại, các cơ quan chức năng chưa thể đưa ra bất kỳ đánh giá nào về đề xuất của Sơn Trường, bởi đây mới dừng ở mức ý tưởng. Mặt khác, những khẳng định về ưu thế vượt trội của phương án mà Sơn Trường đề xuất so với phương án đã được phê duyệt của Bộ Giao thông - Vận tải không có giá trị về mặt khoa học. “Tính thiếu khả thi trong đề xuất của Sơn Trường thể hiện rõ nhất ở kiến nghị không dùng vốn ODA cho cầu Tân Vũ và xây tuyến đường nối cảng Lạch Huyện với đường cao tốc Hải Phòng – Hà Nội, với chi phí 2.000 tỷ đồng”, ông Ứng nói.
Chia sẻ ý kiến này, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học – kỹ thuật Cầu đường Việt Nam cũng khẳng định, vào thời điểm hiện tại, với vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, không thể xây dựng được một tuyến đường cao tốc 8 làn xe dài 16 km nối cảng, trong đó có 1 cầu vượt biển dài 5,5 km.
Trên thực tế, ngay trong phương án đầu tiên do Sơn Trường đề xuất theo hướng đẩy cảng Lạch Huyện ra ngoài khơi cũng tồn tại nhiều điểm vênh lớn giữa ý tưởng với điều kiện thực tế. Theo tính toán mới đây của một đơn vị tư vấn hàng đầu về cảng biển, chi phí xây dựng cảng Lạch Huyện theo phương án này sẽ không dưới 104.000 tỷ đồng, trong đó, riêng chi phí xây đường kết nối từ cảng vào bờ đã là 94.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, phía Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục khẳng định rằng, với quy trình nghiên cứu bài bản, nghiêm túc, có chất lượng của các đơn vị tư vấn hàng đầu của Bỉ, Nhật Bản trong suốt 8 năm, nên có thể khẳng định, địa điểm, quy hoạch xây dựng và phương án đầu tư xây dựng cảng do Bộ này phê duyệt là tối ưu.