Sau 4 năm xây dựng, quần thể tháp Chăm đã được khánh thành tại Đồng Mô (Ba Vì, Hà Nội). Nhiều hoạt động văn hóa của người Chăm đã được tổ chức trong dịp này.
Quần thể tháp Chăm hiện hữu tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam cùng với những ngôi nhà rông, nhà dài của đồng bào Tây Nguyên, nhà sàn của đồng bào Tày, Nùng, Thái…
Quần thể này gồm toà tháp (tháp Chính, tháp Cổng, tháp Hoả) được xây dựng theo nguyên mẫu toà tháp Poklong Garai (Ninh Thuận). Nghệ nhân Sử Văn Ngọc chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy rất vinh dự khi trong ngôi nhà chung của các dân tộc Việt Nam có biểu tượng văn hóa mà đồng bào Chăm quan niệm là linh hồn của họ, đó là ngôi tháp cổ Poklong Garai”.
Tháp Chăm, trong Ấn Độ giáo được gọi là “Sikhara”, nghĩa là đỉnh núi nhọn, biểu thị của núi Mêru, dạng kiến trúc tiêu biểu được xây dựng theo tín ngưỡng thống nhất thờ thần Siva - một trong tam vị nhất thể của đạo Bà La Môn. Đây là nơi linh thiêng được người Chăm thờ thần Siva.
Nghệ nhân Sử Văn Ngọc cho hay, nghệ thuật xây dựng tháp Chăm rất đặc biệt, từ thủ pháp chế tạo nguyên vật liệu, gạch dùng để xây tháp là loại gạch được sản xuất theo một phương pháp riêng: Bốn mặt được nung chín nhưng trong ruột vẫn còn “sống”.
Tuy vậy, dù có để ngoài trời hàng trăm năm, gạch vẫn không bị rã, không thấm nước, khi gặp nước lại rất nhanh khô. Nhờ đó, trải qua hàng nghìn năm, các toà tháp Chăm vẫn không bị rêu phong hay ẩm ướt. Tuy nhiên, theo nghệ nhân Sử Văn Ngọc, việc gìn giữ và bảo tồn những ngọn tháp Chăm vẫn còn là điều khó khăn và cần thời gian.
Bên cạnh các nghi thức truyền thống như lễ rước y trang, tắm tượng thần và tượng vua trong tháp, lễ mặc y phục... tại buổi lễ khánh thành tháp, đồng bào Chăm Ninh Thuận đã tổ chức lễ mở cửa tháp Chăm trong ngập tràn ánh nắng. Cùng với sự kiện khánh thành quần thể tháp Chăm, trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11), các lễ hội của đồng bào Raglai, Hrê đến từ các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, An Giang, Quảng Ngãi, Bình Định và TP.HCM... đã được tổ chức tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ nhân dân gian Chăm đã đem đến một không gian rộn ràng với tiếng trống paranưng, điệu kèn saranai, và những điệu múa đặc sắc. Du khách say ngắm điệu múa Chiêng của dân tộc Hre - Quảng Ngãi, lắng nghe ca khúc da diết, ngọt ngào và lãng mạn của chàng trai người Chăm - “Về thăm cô gái làng Chăm”, ngất ngây cùng điệu múa “Làng Chăm vui hội lúa mới”...