Ninh Bình: Vùng đất giàu tiềm năng, điểm đến của nhà đầu tư

08:27, 30/11/2012

Được đánh giá là nơi hội tụ đủ các điều kiện để phát triển công nghiệp, du lịch, Ninh Bình đang tích cực kêu gọi đầu tư và cam kết dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp những điều kiện thuận lợi, cơ chế ưu đãi nhất.

Tiềm năng và thành tựu

Ninh Bình là tỉnh nằm ở cực Nam Đồng bằng sông Hồng, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế và văn hoá giữa khu vực châu thổ sông Hồng với Bắc Trung Bộ, là nơi giao thoa giữa 2 nền văn hóa châu thổ sông Hồng, sông Mã.

Ninh Bình có vị trí hội tụ giao thông liên vùng rất thuận lợi cho lưu thông hàng hóa với các địa phương khác trong cả nước, bao gồm cả đường bộ, đường thuỷ, đường sắt và tương lai là sẽ báo cáo Chính phủ cho xây dựng đường hàng không; có hệ thống cảng biển, cảng sông và kho tàng, bến bãi khá thuận tiện trong việc giao thương hàng hóa.

Ninh Bình có nhiều tiềm năng, thế mạnh khá đa dạng, phong phú, có thể coi là lợi thế cạnh tranh để phát triển, như những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, những di tích lịch sử văn hóa, những giá trị phi vật thể nổi tiếng, như những áng thơ văn, những lễ hội, những làn điệu chèo, hát văn, hát xẩm và văn hóa ẩm thực... Bên cạnh đó, tỉnh đã có nhiều chính sách thiết thực, ưu đãi để đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, hiệu quả và bền vững.

Phát huy tiềm năng và lợi thế này, trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của Ninh Bình đều đạt mức tăng trưởng cao và ổn định (trên 10%/năm), năm 2011 là 14,5%. Từ một tỉnh thuần nông, Ninh Bình đã trở thành địa phương có công nghiệp và du lịch phát triển khá mạnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 49%; dịch vụ chiếm 36%, nông- lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 15%).

Sau 20 năm tái lập tỉnh, Ninh Bình hiện đã có giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt trên 20.000 tỷ đồng, tăng 27,7 lần; giá trị xuất khẩu tăng trên 100 lần. Hàng năm, Ninh Bình đã cung cấp các sản phẩm công nghiệp đa dạng, có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế, như xi măng, thép, ô tô, kính xây dựng, phân hóa học, sản phẩm mỹ nghệ... và trong những năm tới là sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sạch và hiện đại. Các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch phát triển mạnh, tăng gấp 12,4 lần so với khi tái lập tỉnh. Các khu thể thao vui chơi, giải trí, khách sạn nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, cùng những thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá và du lịch cộng đồng, làng nghề, góp phần đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ, nhất là dịch vụ phục vụ du lịch. Nhờ đó, số lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2011 đạt 3,6 triệu lượt khách, năm 2012 ước đạt khoảng trên 4 triệu lượt). Sản xuất nông nghiệp đã từng bước đi theo hướng sản xuất hàng hóa, với sản lượng lương thực hàng năm đạt 500.000 tấn (đạt bình quân 525 kg/người), với những sản phẩm đặc sản có chất lượng cao và có thương hiệu, như lúa, rượu, thịt dê, cơm cháy...

Song song với sản xuất phát triển, đời sống nhân dân của tỉnh được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu ngưới trên địa bàn tỉnh đã đạt 1.250 USD/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến nay chỉ còn dưới 9%. Đồng thời, thu ngân sách nhà nước của tỉnh cũng đã đạt khá; năm 2011 đạt gần 3.400 tỷ đồng, gấp 84,8 lần so với năm 1992. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội luôn giữ vững; môi trường được cải thiện, đảm bảo duy trì và phát triển kinh tế bền vững.

Trong 10 năm trở lại đây, đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đạt bình quân hàng năm trên 15.000 tỷ đồng, với hàng trăm dự án có vốn đầu tư trong nước và trực tiếp nước ngoài ở tất cả các ngành và lĩnh vực; các dự án đầu tư đã góp phần quan trọng làm cho kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng có bước phát triển. Điều này thể hiện sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với tỉnh và cũng là kết quả sự nỗ lực của tỉnh trong việc từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật; tăng cường kết cấu hạ tầng văn hoá - xã hội; tích cực cải cách hành chính để xây dựng một nền tảng cho phát triển và một môi trường đầu tư thực sự thuận lợi.

Những giá trị khác biệt, lợi thế của Ninh Bình

Ninh Bình nổi bật nhờ những giá trị và lợi thế sau:


Thứ nhất, Ninh Bình là tỉnh hội tụ các điều kiện tiềm năng về tự nhiên, địa hình, địa vật, văn hóa và con người, đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa mang tính đặc trưng của Việt Nam. Tỉnh thực sự là một địa phương đang có điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững.

Thứ hai, Ninh Bình là vùng cửa ngõ miền Bắc, có vị trí địa lý thuận lợi, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế và văn hoá giữa khu vực châu thổ sông Hồng và sông Mã, giữa vùng Bắc Trung Bộ với vùng Đồng bằng Bắc Bộ thông qua các tuyến đường bộ, đường sắt, đường sông và biển. Tỉnh có cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện về giao thông, cảng, kho bãi và đã được Chính phủ cho phép quy hoạch 7 khu công nghiệp, trong đó có 3 khu công nghiệp cơ bản được lấp đầy, với nhiều nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp chất lượng cao. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp công nghệ cao cũng như liên kết với các trọng điểm công nghiệp trong vùng và cả nước để phát triển công nghiệp phụ trợ.

Thứ ba, Ninh Bình đang từng bước phát triển thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước với nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng, tạo thành các tuyến du lịch liên hoàn với nhiều nhóm sản phẩm du lịch độc đáo là du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh, với những điểm du lịch nổi tiếng trải dài từ vùng núi xuống vùng biển, như Vườn Quốc gia Cúc Phương, Chùa Bái Đính, di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước Vân Long, Nhà thờ đá Phát Diệm... Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An cũng đang được hoàn tất hồ sơ để Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho xây dựng công viên động vật hoang dã quốc gia.

Thứ tư, Ninh Bình có nguồn lao động dồi dào và đang ở thời kỳ dân số vàng. Hơn nữa, trong tỉnh tập trung nhiều trường đào tạo nghề có chất lượng hàng năm cung cấp đội ngũ kỹ sư, công nhân có tay nghề cao, có kỷ luật lao động tốt.

Thứ năm, Ninh Bình cũng là tỉnh thực hiện tốt Đề án Cải cách hành chính của Chính phủ, là địa phương điển hình trong việc thực hiện tốt chủ trương “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, giải quyết các thủ tục hành chính bằng cơ chế "một cửa" và “một cửa liên thông”.

Có thể nói, Ninh Bình là một địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế; có cảnh quan thiên nhiên đẹp, con người mến khách, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất và thực sự cầu thị. Mong muốn lớn nhất của tỉnh là kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, có bước tiến kịp với các tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Để thực hiện mục tiêu đó, Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 28/2012/QĐ-UBND ngày 23/11/2012 quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh  nhằm gửi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước một thông điệp rõ ràng về môi trường đầu tư với những chính sách ưu đãi và hấp dẫn. Đó cũng là tầm nhìn mới với chiến lược mới, tăng trưởng kinh tế hợp lý từ phát triển chưa bền vững sang phát triển bền vững, từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu để tìm đến những giá trị mới, khác biệt, xanh và bền vững.

“Ninh Bình hội nhập và phát triển bền vững” là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi tới tất cả những ai quan tâm. Xin trân trọng kính mời các bạn hãy cùng chúng tôi làm thay da, đổi thịt vùng đất có bề dày lịch sử, song còn không ít nghèo khó trở thành vùng đất mở, đất mới với màu sắc ngày càng xanh tươi hơn. Chúng tôi luôn cùng đồng hành và cam kết dành cho các nhà đầu tư những điều kiện thuận lợi, những cơ chế ưu đãi nhất cùng những tấm lòng cởi mở để Ninh Bình thực sự là điểm đến thành công của các bạn.