Luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam vẫn khá tích cực.
Sau khi thu hút được 3 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 448,45 triệu USD, mà một trong số đó là nhà máy sản xuất các loại khung cửa, cửa sổ… của Lixil (Nhật Bản), vốn đầu tư 441 triệu USD, vừa được khởi công xây dựng trong tuần trước, Sojitz, chủ đầu tư của KCN Long Đức (Đồng Nai), đang tiếp tục lên kế hoạch thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư Nhật Bản.
Trong danh sách “nằm chờ” được cấp chứng nhận đầu tư, có dự án sản xuất túi đựng máu, thiết bị thu nhập sản phẩm máu của nhà đầu tư Temura, vốn đầu tư trên 98 triệu USD; cả dự án sản xuất phụ tùng, phụ kiện giàn giáo, vốn đầu tư 6,25 triệu USD của Hori. Cả hai nhà đầu tư này đều đến từ Nhật Bản và đều có khả năng sẽ nhận chứng nhận đầu tư vào cuối năm nay. Trong khi đó, khả năng cấp chứng nhận vào đầu năm sau đang được để ngỏ với dự án sản xuất khung sườn xe đạp, với quy mô 14.000 tấn sản phẩm/năm của Simano. Nhà đầu tư Nhật Bản này dự kiến đầu tư khoảng 50 triệu USD vào KCN Long Đức, KCN mà Sojitz và đối tác Việt Nam xây dựng dành riêng cho các nhà đầu tư Nhật.
Hiện tại, mới chỉ có 57 ha/183,29 ha đất công nghiệp có thể cho thuê của KCN này được các nhà đầu tư sử dụng. Cùng với kế hoạch lấp đầy KCN, Sojitz cũng đang thực hiện việc san lấp mặt bằng và nộp hồ sơ điều chỉnh quy hoạch KCN. “Các nhà đầu tư Nhật Bản đang muốn đầu tư ra nước ngoài. Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam đều được lựa chọn, trong đó, Việt Nam đang chiếm ưu thế. Chúng tôi sẽ tích cực chuẩn bị hạ tầng tốt nhất để đón các nhà đầu tư này”, ông Takashi Ikeda, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Khu vực châu Á - châu Đại Dương của Tập đoàn Sojitz cho biết.
Ngoài KCN Long Đức, Sojitz còn đầu tư KCN Long Bình và đến nay, sau hơn 10 năm xây dựng, đã thu hút được hơn 468,8 triệu USD vốn đầu tư. Bản thân Sojitz cũng đã đầu tư vào hơn 20 nhà máy tại Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Gặp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối tuần trước, ông Ikeda cho biết, Sojitz sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư và cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Cùng với khẳng định này, thời gian gần đây, liên tiếp các nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản đều lên tiếng khẳng định về việc Việt Nam là một địa điểm đầu tư hàng đầu. Và cũng không phải chỉ là các nhà đầu tư Nhật Bản, dù trên thực tế, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam có phần giảm sút, với 11 tháng đầu năm chỉ đạt 12,18 tỷ USD, bằng 78,6% so với cùng kỳ 2011, mà các nhà đầu tư Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… vẫn luôn đánh giá cao tiềm năng đầu tư ở Việt Nam. Liên tiếp các kết quả khảo sát được các công ty, tổ chức nước ngoài công bố, rằng Việt Nam đã lọt vào danh sách các quốc gia có chỉ số cạnh tranh sản xuất toàn cầu tốt nhất; là địa điểm đầu tư sản xuất hàng đầu trong khu vực ASEAN…
Thực tế là, mặc dù vốn FDI vào Việt Nam suy giảm, song luồng vốn đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn khá tích cực, với 431 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 8,5 tỷ USD, chiếm 69,8% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 11 tháng qua. Không chỉ đăng ký mới, nhiều nhà đầu tư đang có nhà máy sản xuất tại Việt Nam cũng không ngừng tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất - kinh doanh.
Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 11 tháng đầu năm, nhiều dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo được cấp chứng nhận đầu tư. Nổi bật nhất gần đây là Dự án 830 triệu USD của Samsung Electronics Việt Nam (Hàn Quốc); hay Lixil vừa kể trên. Tương tự, còn có dự án sản xuất lốp xe của Bridgestone (Nhật Bản), 575 triệu USD; Wintek (Đài Loan), 870 triệu USD; Texhong (Trung Quốc), 300 triệu USD... Trong khi đó, Kumho Asiana (Hàn Quốc), Robert Bosch (Đức)... đều cũng đã công bố các kế hoạch tăng vốn đầu tư tại Việt Nam.
Trong một bài báo mới đây, hãng tin tài chính Bloomberg cũng đã dẫn lời của nhà kinh tế Vincent Conti của Ngân hàng ANZ tại Singapore rằng, Việt Nam đang trở thành một điểm lắp ráp ngày càng được chú ý của các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Theo bài báo này, lợi thế về chi phí thấp của Việt Nam đã giúp thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ và Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam.