Với tổng vốn đầu tư được đề xuất lên tới 28,7 tỷ USD, Dự án Lọc hóa dầu ở Bình Định, nếu được thông qua sẽ trở thành “siêu” dự án ở Việt Nam. Nhưng điều quan trọng là, tính khả thi của dự án này đến đâu.
Kế hoạch ban đầu chỉ là 1 tỷ USD, sau nâng lên thành 21 tỷ USD và mới đây, sau buổi họp để thông qua báo cáo tiền khả thi hôm 22/11/2012, tổng vốn đầu tư của Dự án đã lên tới 28,7 tỷ USD. Tại cuộc họp do Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc chủ trì, ông Sukrit Surabotsopon, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT LLC) đã công bố con số như vậy.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề trên, ông Man Ngọc Lý, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định cho biết, ban đầu, một công ty dầu khí khác của Thái Lan là STFE đã đề xuất dự án lọc dầu trong Khu kinh tế Nhơn Hội khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi PTT có ý định cùng đầu tư vào dự án này, thì họ nhận thấy, nếu chỉ đầu tư ở quy mô 10 triệu tấn và chỉ là lọc dầu, thì sẽ không hiệu quả. “Do vậy, họ đã quyết định đầu tư một dự án lọc hóa dầu, với công suất 33,6 triệu tấn/năm”, ông Lý cho biết.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà ông Sukrit Surabotsopon trình bày tại cuộc họp nói trên, dự kiến, Dự án sẽ được xây dựng trên diện tích 2.000 ha, quy mô 660.000 thùng/ngày. Nguồn dầu phục vụ Dự án dự kiến được nhập khẩu từ Singapore, Trung Đông và Nam Mỹ. Theo kế hoạch, năm 2016, các đối tác trong Dự án sẽ triển khai xây dựng nhà máy, cuối năm 2018 hoàn thành và đến năm 2019, chính thức đưa nhà máy đi vào hoạt động.
Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, đầu tháng 12 tới, PTT và các đối tác sẽ hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để tỉnh Bình Định báo cáo Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ bổ sung dự án vào quy hoạch ngành, cũng như điều chỉnh quy hoạch của Khu kinh tế Nhơn Hội. 6 tháng sau, PTT sẽ phải hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi.
Được biết, trước đây, Chính phủ đã chấp thuận về chủ trương cho một doanh nghiệp Đài Loan triển khai đầu tư xây dựng một dự án lọc dầu ở Bình Định, song do kinh tế khó khăn, nhà đầu tư không triển khai dự án, nên chủ trương này mất hiệu lực. Để dự án lọc hóa dầu mới có thể triển khai, Bình Định sẽ phải xin chủ trương mới từ Chính phủ, cũng như bổ sung quy hoạch. Hiện tại, Bình Định mới chỉ chấp thuận về chủ trương để nhà đầu tư xây dựng dự án.
Những thông tin ban đầu về siêu dự án lọc dầu đã có. Nhưng đó chỉ là kế hoạch do bản thân nhà đầu tư đề xuất. Số vốn đầu tư quá lớn khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi về tính khả thi của dự án này. Được biết, tại cuộc họp thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện một mặt đánh giá cao nỗ lực của PTT, nhưng mặt khác cũng yêu cầu nhà đầu tư chứng minh nguồn tài chính.
Thông tin từ ông Man Ngọc Lý cho biết, khi trình bày báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, ông Sukrit Surabotsopon đã đề cập cơ cấu vốn cho Dự án: 50% là vốn chủ sở hữu, 50% là vốn vay thương mại. Trong đó, PTT sẽ chịu trách nhiệm 1/3 phần vốn cho Dự án. Các đối tác của Việt Nam, có thể bao gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Petrolimex, Xăng dầu Quân đội, Tập đoàn Khang Thông và STFE. Phần còn lại thuộc về các đối tác chiến lược cung ứng dầu cho Dự án.
“PTT khẳng định, Dự án là khả thi, có mức thu hồi vốn lớn, lợi nhuận cao và có tính hấp dẫn. Tuy nhiên, chúng tôi đã yêu cầu khi nộp báo cáo nghiên cứu khả thi, nhà đầu tư phải đồng thời có các văn bản xác minh về nguồn vốn đầu tư”, ông Lý nói và cho biết, phía PTT đã có những cam kết về phần vốn góp của họ. Vì vậy, điều quan trọng là phải xác minh được khả năng tài chính của các đối tác còn lại trong Dự án.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, PTT hiện đã có một dự án lọc dầu ở Thái Lan và tập đoàn này cũng đã được Chính phủ Thái Lan chấp thuận triển khai một dự án lọc hóa dầu lớn ở miền Nam Thái Lan. Nhưng do những bất ổn về chính trị thời gian qua, PTT đã quyết định tìm kiếm địa điểm đầu tư khác và Việt Nam đã được lựa chọn. PTT cũng đã từng được giới thiệu để tham gia Dự án Long Sơn, nhưng cuối cùng, Bình Định được chọn là điểm dừng chân.
Khi được hỏi quan điểm cá nhân về tính khả thi của Dự án, ông Man Ngọc Lý khẳng định, qua thời gian làm việc khá dài với PTT, ông nhận thấy, tập đoàn này có thái độ làm việc và kế hoạch đầu tư nghiêm túc. “PTT là một tập đoàn lớn của Thái Lan. Họ đang có nhiệm vụ phải triển khai xây dựng một dự án lọc hóa dầu lớn. Nhưng vấn đề là, với tổng vốn đầu tư rất lớn, họ phải chứng minh được khả năng thu xếp vốn cho Dự án”, ông Lý nói.
Liên quan tới những siêu dự án được đề xuất tại Việt Nam, khoảng giữa năm 2007, một nhà đầu tư của Mỹ cũng đã tổ chức buổi thuyết trình về kế hoạch đầu tư một dự án thép ở Thanh Hóa, với vốn đầu tư lên tới 30 tỷ USD. Nhưng sau đó, nhiều thông tin cho biết, nhà đầu tư này không có năng lực tài chính.