Ngành công nghiệp này đang đối mặt với tình trạng thừa cung, bí đầu ra, hoạt động sản xuất bị ngưng trệ, nợ chồng. Nếu số liệu thống kê của Bộ Công thương là chính xác, thì tại thời điểm cuối năm 2011, đã có trên 4 triệu tấn xi măng tồn kho.
Đến hết năm 2012, con số này dự kiến cao hơn 51,3% so với năm ngoái. Có nghĩa là, ngay cả khi một số nhà máy đã ngừng sản xuất và không ít nhà máy đã chạy cầm chừng từ 2 năm nay, cứ 14 tấn xi măng xuất xưởng có 1 tấn nằm lại trong kho!
Tại sao lại có tình trạng trên khi sản xuất xi măng được xác định là ngành công nghiệp quan trọng và ngay cả khi ngành này đã có quy hoạch phát triển? Để trả lời câu hỏi trên, từ số báo này Đầu tư sẽ đăng tải loạt bài phản ánh về thực trạng ngành công nghiệp xi măng Việt Nam.
Những diễn biến của tình hình sản xuất và tiêu thụ xi măng tại Việt Nam trong mây năm gần đây có thể tóm lược như sau: năm 2010, tiêu thụ xi măng của cả nước là trên 49 triệu tấn, nhưng tổng công suất của các nhà máy đã lên đến 57 triệu tấn.
Năm 2012, trong khi mức tiêu thụ được dự báo không tăng so với năm 2011, thì năng lực các nhà máy đã là 72 triệu tấn; năm 2013, khi tiếp tục có thêm các nhà máy hoàn tất quá trình xây dựng để đi vào sản xuất, lượng xi măng dư thừa sẽ tiếp tục tăng thêm.
Có hai lý do chính khiến lượng xi măng tồn kho.
Thứ nhất là lý do khách quan. Các số liệu trên còn cho thấy, cùng với những tác động của khủng hoảng kinh tế việc điều chỉnh giảm mạnh lượng vốn đầu tư công đã khiến các bộ, ngành, địa phương chủ động đình hoãn nhiều công trình trước đó đã được đưa vào kế hoạch. Cùng với đó, việc thị trường bất động sản đóng băng đã là những nguyên nhân trực tiếp làm giảm đi đáng kể lượng xi măng được tiêu thụ hàng năm. Đứng về mặt chủ quan, như ý kiến của ông Tống Văn Nga, Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng
thì, “nếu cứ thực hiện đúng như Quyết định 108/2005/QĐ-TTg, thì không có chuyện dư thừa cả chục triệu tấn xi măng như thế này và các nhà máy dở sống, dở chết như hiện nay”. Quan điểm của ông Nga có thể hiểu là, tiên lượng về phân bố và công suất của Ngành trong từng thời kỳ được đề ra trong Quy hoạch là chính xác, nhưng ngoài nguyên nhân khách quan như đã nêu trên, thì nguyên nhân chính dẫn đến dư thừa xi măng là do thiếu kiên quyết thực hiện Quy hoạch, đặc biệt đối với trong quá trình thực hiện đầu tư để triển khai các dự án mới và điều chỉnh (nâng) các dự án đã đi vào sản xuất.
Đưa ra nhận định như trên bởi lẽ, ông Nguyễn Hoàng Thông, nguyên chuyên viên chính, Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã cho rằng, “ngành xi măng có cơ sự cung vượt cầu và khó tiêu thụ như ngày hôm nay, theo tôi chính là bởi những dự án đã được xem xét, bổ sung đã làm vỡ Quy hoạch ngành. Những dự án xin bổ sung này, địa phương, chủ đầu tư đệ trình lên cấp trên để phê duyệt. Đến nay, không ai tổng hợp được sau khi bổ sung thêm vào Quy hoạch các dự án mới thì tổng công suất đã lên bao nhiêu”.
Đầu năm 2010, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương cùng chủ đầu tư báo cáo tình hình triển khai các dự án xi măng để làm cơ sở cho việc lập quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng trong giai đoạn tới. Hy vọng, nỗ lực này của Bộ Xây dựng dù là muộn, nhưng chưa phải là quá muộn.