Xuất khẩu hàng hóa sang Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) sẽ tăng mạnh, khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Kazakhstan - Belarus được ký kết.
Phát biểu tại Hội thảo “Thị trường Nga và các nước SNG - Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) mới tổ chức tại Hà Nội, ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) cho biết, việc ký kết FTA với các thành viên hoặc cả Liên minh Hải quan Nga - Kazakhstan - Belarus sẽ giúp doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường, tăng nhanh xuất khẩu. Mặc dù vậy, để làm ăn lâu dài, các DN cần có thông tin cụ thể về thị trường để có những thay đổi phù hợp.
Theo ông Hải, xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2013 và vài năm tiếp theo sẽ còn khó khăn do khu vực này chịu ảnh hưởng trầm trọng từ suy giảm kinh tế và nợ công. Vì vậy, nếu làm tốt công tác thị trường, đàm phán xuất khẩu và sớm đạt được FTA với Liên minh Hải quan Nga - Kazakhstan – Belarus, Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập thị trường sớm hơn, được ưu đãi hơn các đối tác khác. Dự kiến, một loạt mặt hàng của Việt Nam, như hàng thực phẩm, may mặc, đồ da, đồ gỗ…, sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thuộc Liên minh Hải quan Nga - Kazakhstan - Belarus.
Liên minh Hải quan Nga - Kazakhstan - Belarus là thị trường rộng lớn, mới mở cửa, với tổng diện tích 20 triệu km2, dân số 170 triệu người, tăng trưởng GDP ổn định ở mức 5 - 6%/năm. Đặc biệt, với hàng tiêu dùng, thị trường này không quá khó tính, trong khi nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu ngày càng nhiều và đa dạng.
Dự kiến, khi Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Kazakhstan - Belarus đạt được thỏa thuận FTA, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga sẽ tăng 63%, sang Kazakhstan tăng 8%, sang Belarus tăng 41%, trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ 3 quốc gia này sẽ tăng tương ứng 75%, 83% và 83%.
Một điểm quan trọng khi Việt Nam đạt được FTA với Liên minh Hải quan Nga - Kazakhstan - Belarus là, các nước này đã thống nhất áp dụng biểu thuế nhập khẩu thống nhất đối với hàng hóa, vì vậy, việc thông quan cũng được thống nhất. Nhờ vậy, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể qua hải quan một nước, nhưng được lưu thông ở các nước còn lại.
Số liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy, năm 2011, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nga tăng 9% so với năm 2010, đạt gần 2 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng 55%, đạt 1.287 triệu USD. Trong khi đó, tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với Belarus tăng 111%, đạt 210 triệu USD; với Kazakhstan tăng 10,7%, đạt 48,7 triệu USD.
Năm 2012, thương mại hai chiều Việt - Nga ước đạt 3,7 tỷ USD, tăng 5 lần so với 10 năm trước đây.
Ông Maxim Golikov, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết, theo tính toán sơ bộ, trong 3 - 4 năm tới, Nga sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với nông sản của Việt Nam xuống mức trung bình 10,8%, so với mức 13,2% hiện nay. Thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng khác, như điện máy, hàng may mặc, chè, đồ da, thủy hải sản còn giảm mạnh hơn.
Đòi hỏi nâng cao khả năng đáp ứng đơn đặt hàng
Theo nhận định của ông Hải, một trong những khó khăn chung đối với DN Việt Nam khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới là sức ép cạnh tranh với các DN đến từ các nước phát triển hơn. Vì vậy, DN cần tìm cách nâng cao trình độ công nghệ tiếp nhận từ các DN thuộc Liên minh Hải quan Nga - Kazakhstan - Belarus và các nước SNG nói chung.
“Thời gian qua, Việt Nam tuy làm tốt công tác xuất khẩu, nhưng chưa tiếp thu được nhiều công nghệ hiện đại, trong khi Nhật Bản là quốc gia thực hiện việc tiếp nhận công nghệ rất tốt”, ông Hải nhấn mạnh.
Một câu chuyện khác, cũng gây ảnh hưởng không tốt đến các DN xuất khẩu của Việt Nam được vị chuyên gia này chia sẻ, đó là, các đơn hàng từ Liên minh Hải quan Nga - Kazakhstan - Belarus thường lớn, DN trong nước không đủ sức tự làm, mà thường hợp tác gia công với các xí nghiệp, nhà máy lân cận. Tuy nhiên, chất lượng hàng chỉ đảm bảo được trong một vài đơn hàng đầu tiên, về sau đuối dần, dẫn đến vi phạm hợp đồng và bạn hàng ít nhiều nghi ngờ về khả năng đáp ứng đơn hàng của các DN Việt Nam. Đây là hạn chế lớn nhất mà các DN xuất khẩu trong nước cần phải sớm khắc phục, để có thể làm ăn lâu dài với không chỉ DN của các nước thuộc Liên minh Hải quan Nga - Kazakhstan - Belarus, mà cả khu vực Đông Âu.
Bên cạnh những cơ hội to lớn, thì FTA với Liên minh Hải quan Nga - Kazakhstan – Belarus cũng tạo ra không ít thách thức, đòi hỏi DN phải điều chỉnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này để đáp ứng đúng nhu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn các cơ quan nhà nước có thể sẽ phải điều chỉnh về tổ chức để thực thi FTA cũng như đưa ra các biện pháp hỗ trợ DN nâng cao khả năng cạnh tranh, nhằm tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ FTA này.