An Giang đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả lợi thế địa phương, với các lĩnh vực: kinh tế biên giới, thương mại, du lịch, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản…
Nằm ở phía Tây Nam của Việt Nam, An Giang có diện tích tự nhiên 3.537 km2. Đây là tỉnh có đường biên giới dài với Campuchia (100 km), 2 cửa khẩu quốc tế (Tịnh Biên, Vĩnh Xương), 2 cửa khẩu quốc gia (Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông) và cửa khẩu phụ Bắc Đai kết nối với thị trường Campuchia, rất thuận lợi cho giao thương kinh tế cửa khẩu, thương mại, du lịch quốc tế.
Với lợi thế đó, An Giang được xem cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, cũng như các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM với Campuchia và nhiều nước ASEAN…
Để phát huy lợi thế trên, trong những năm qua, An Giang đã tập trung hoàn chỉnh quy hoạch các khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn, để chủ động thu hút đầu tư. Tỉnh đã quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu gồm 3 khu vực: Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên (9.255 ha), Khu kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương (9.916 ha) và Khu vực cửa khẩu Khánh Bình (7.412 ha).
Do nằm ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long, nước ngọt quanh năm, phù sa màu mỡ, có hệ thống sông ngòi dày đặc, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhất là lúa, rau màu, cá nước ngọt…, An Giang là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng lúa (4 triệu tấn/năm) và dẫn đầu về nuôi và chế biến cá tra, basa xuất khẩu (350.000 tấn/năm).
An Giang còn là vùng đất tiềm năng về du lịch, với nhiều khu di tích văn hóa lịch sử, khu du lịch nổi tiếng (Núi Sam - Châu Đốc, núi Cấm - huyện Tịnh Biên, văn hóa Óc Eo - huyện Thoại Sơn...
Để đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, sẵn sàng có đất sạch cho nhà đầu tư, tỉnh An Giang đã quy hoạch xây dựng nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Trong đó, KCN Bình Hòa đã đầu tư 130 ha, cho thuê 40 ha, sẽ mở rộng lên 280 ha, với ngành nghề mời gọi đầu tư gồm: chế biến nông - thủy sản, thực phẩm, rau quả…; KCN Vàm Cống (200 ha) và KCN Hội An (100 ha) đã phê duyệt quy hoạch, đang kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng; cùng 23 cụm công nghiệp với tổng diện tích 816 ha.
Nhằm phát huy tiềm năng của địa phương, An Giang đang đẩy mạnh kêu gọi và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả lợi thế, với các lĩnh vực: kinh tế biên giới, thương mại, du lịch, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến hàng hóa giá trị gia tăng…
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 801/2012/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội An Giang đến năm 2020. Theo đó, các mục tiêu phát triển cụ thể đến năm 2020 gồm: tăng trưởng GDP đạt 12,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.540 USD; cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ lần lượt là 19,7%, 21% và 59,3%; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 1,8 - 2 tỷ USD; đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo trên toàn tỉnh đạt 65%.