Không còn bị chìm trong màn đêm nơi sơn dã, bản Thẳm Hon của người H’Mông, nằm cách vai phải đỉnh đập Thủy điện Sơn La chỉ “đúng một con dao quăng” đã bừng lên trong ánh điện, khi Dự án Cung cấp lưới điện quốc gia về các bản nghèo của Sơn La được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai. Đây là một lời tri ân và cũng thể hiện trách nhiệm với đồng bào nơi đặt công trình.
Theo cái chỉ tay của Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La (vốn là Giám đốc Điện lực Sơn La), ông Hoàng Trọng Nam, trước mắt tôi, Thẳm Hon hiện lên như một nét thơ lưng chừng núi. Có vẻ như vẻ đẹp của Thẳm Hon càng trở nên thuần khiết hơn khi nó giống như một cô gái nhỏ đang nép mình bên chàng trai hoành tráng và hùng dũng là Nhà máy Thủy điện Sơn La.
Kéo tôi về thực tại, ông Nam cho biết, ban đầu, chẳng hiểu sao, dự án đưa điện về xã, bản nghèo ở Sơn La không có tên Thẳm Hon, nhưng ngay khi nhìn thấy bản danh sách, lãnh đạo EVN đã lập tức yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát và mở rộng vùng Dự án để bà con các dân tộc Sơn La cũng được chung niềm vui núi rừng có điện thay trăng cùng với Nhà máy.
“Trước đó, chúng tôi cùng với các anh trong Ban quản lý Dự án đi thực địa và kiểm tra xem bản Thẳm Hon có nằm trong vùng Dự án, để có thể hỗ trợ thêm cho bà con. Nhưng tiếc là, Thẳm Hon lại nằm ngoài hành lang Dự án. Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng để bà con sớm có điện cùng đón niềm vui với ngày mừng công, khánh thành. Vui sao được, nếu dưới kia, công trình tưng bừng điện sáng, mà bà con trên này lại thắp sáng bằng trăng, sao”, ông Nam chia sẻ.
Thẳm Hon chỉ là một trong số 557 bản nghèo thuộc Dự án Cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La được EVN giao Tổng công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư, Công ty Điện lực Sơn La trực tiếp quản lý và thực hiện. Có tổng mức đầu tư 557,8 tỷ đồng, Dự án đã được khởi công từ tháng 5/2012 và sẽ hoàn tất vào năm 2015 với mục tiêu xây dựng toàn bộ mạng lưới điện trung thế, hạ thế tại 11 huyện, thành phố với 106 xã thuộc địa bàn tỉnh Sơn La. Sau khi hoàn thành, hơn 30.000 hộ dân đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La tại 557 bản này sẽ được sử dụng điện lưới quốc gia, thay cho ánh đèn dầu leo lắt mỗi khi đêm về.
Nghe các “anh EVN” kể, chi phí đưa điện về vùng sâu, vùng xa hiện nay bình quân khoảng 25 triệu đồng/hộ, trong khi, tiền điện mỗi hộ nơi đây chỉ khoảng 10.000 đồng/tháng. Làm một phép tính nhỏ sẽ thấy, rõ ràng, nếu chỉ là làm kinh doanh đơn thuần, hẳn chẳng ai đi làm để... lấy lỗ như vậy.
Nhưng động lực “mang ánh điện đến thắp sáng từng ngôi nhà của những người dân nghèo, nâng niu ánh mắt trẻ thơ bên bàn học” đã khiến những đường dây mảnh mai băng rừng, vượt núi. Không chỉ có thế, điện về với bản làng sẽ từng bước mở thêm những hiểu biết, kiến thức mới, để cùng với đời sống tinh thần được nâng lên, bà con còn học thêm được những phương thức canh tác mới để thâm canh, tăng năng suất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Điện khí hóa là những bước căn cơ, bền vững đầu tiên và tiên quyết để thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi vùng sâu, vùng xa của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La, đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực.
Nghĩ là vậy, nhưng tôi cũng chợt nhớ tới nhận xét của bác Đỗ Gia Phan, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng, sau khi tham gia Tổ kiểm tra giá thành sản xuất điện năm 2011 của EVN cách đây chưa lâu khi nói rằng, trong giá thành của EVN hiện nay có gánh thêm không ít chi phí liên quan đến chính sách của Nhà nước, như bù giá cho vùng sâu, vùng xa, các huyện đảo, lưới điện hạ áp cho nông thôn... Theo bác Phan, như vậy là chưa hợp lý và cần phải tách các phần chi phí liên quan của Nhà nước về xã hội, công ích ra ngoài, để người tiêu dùng điện không phải gánh.
Đúng là làm kinh tế thuần túy, thì tính như vậy không sai. Nhưng trong điều kiện chưa thể tách riêng các phần công ích như mục tiêu được Chính phủ đặt ra khi tiến hành thị trường hoá ngành điện, nếu không có những quyết sách của Chính phủ, sự tri ân và chấp nhận thiệt của EVN để đưa điện về vùng sâu, vùng xa, liệu ai có thể an lòng, khi những người đồng bào của mình đã chấp nhận rời xa mảnh đất trông rau cắt rốn để nhường đất cho nhà máy làm ra dòng điện, lại vẫn phải lấy trăng thay đèn.