Cuối tuần này, Dự án Thủy điện Sông Bung 2, một trong những dự án thủy điện cuối cùng có công suất nhỏ và vừa (công suất lắp máy 100 MW, gồm 2 tổ máy) tại tỉnh Quảng Nam sẽ chính thức chặn dòng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối dự án được đánh giá là “khúc xương” khó gặm nhất trong hệ thống thủy điện bậc thang tại miền Trung.
Được xây dựng trên sông Bung, với tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng, Dự án Thủy điện Sông Bung 2 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Dự kiến, Dự án sẽ hoàn thành và phát điện vào quý I/2016.
Ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Quản lý Dự án Thủy điện Sông Bung 2 cho biết, Dự án nằm trên địa phận thuộc 2 huyện Nam Giang và Tây Giang (Quảng Nam), gần biên giới Việt Nam - Lào, bên cạnh địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn..., nên ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch và tiến độ triển khai dự án.
“Vừa phải đảm bảo công tác an ninh, quốc phòng, vừa đảm bảo duy trì tiến độ là một trong những thử thách lớn đối với Dự án. Việc Dự án bước vào hạng mục chặn dòng để tiến hành xây đập dâng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm nay. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất và việc chúng tôi chính thức chặn dòng vào ngày 14/12 tới được đánh giá là đã hoàn thành tốt kế hoạch năm 2012”, ông Sơn nói.
Khó khăn của dự án không chỉ dừng lại ở địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, mà cấu trúc địa chất phức tạp ở đây cũng đang là một trở ngại lớn đối với việc triển khai xây dựng các hạng mục quan trọng, trong đó có tuyến đường hầm dẫn nước (dài hơn 9 km).
Đại diện Công ty Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) - đơn vị thi công đường hầm dẫn nước - cho biết, cho dù Công ty đã từng thi công nhiều công trình đường hầm cho các dự án thủy điện lớn, nhưng đây là dự án đầu tiên mà Công ty gặp thử thách lớn với bọc nước ngầm lớn. Đó là chưa kể đường hầm có đoạn dài đến 6 km không thể bố trí hệ thống dẫn khí (do tiết diện hầm nhỏ khó đưa được ống dẫn lớn vào để hút bụi, dẫn khí)...
“Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi cam kết với chủ đầu tư dự án là sẽ thi công tuyến hầm theo đúng tiến độ, nhờ việc áp dụng công nghệ tiên tiến nhất của Đức để xử lý vấn đề dẫn khí, hút bụi, đồng thời tập trung huy động đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ kỹ thuật cao”, đại diện Công ty Lũng Lô khẳng định.
Ông Đỗ Quốc Toàn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 (đơn vị thiết kế Dự án Thuỷ điện Sông Bung 2) cho biết, ông đã tham gia tư vấn cho nhiều dự án thủy điện, nhưng đây có thể là dự án phức tạp nhất mà ông gặp phải.
“Có thể nói, dự án là “khúc xương” cuối cùng trong hệ thống thủy điện bậc thang của tỉnh Quảng Nam, khi tại đây hội đủ những yếu tố phức tạp nhất về điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên, gây trở ngại trong công tác xây dựng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, với tiến độ triển khai hoàn thành hầm dẫn dòng có tiết diện lớn nhất Việt Nam hiện nay (14 m x 16 m), công trình hầm đã được hoàn thành theo kế hoạch. Các vai đập đã cơ bản thi công xong, đặc biệt đã bước vào giai đoạn chặn dòng xây đập dâng… Vì thế, có thể khẳng định rằng, dự án đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất, ghi nhận nỗ lực của chủ đầu tư và tổ hợp các nhà thầu”, ông Toàn nhận định.
Theo ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND Quảng Nam, công tác triển khai hơn 10 dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh tuy gặp nhiều trở ngại, nhưng nhìn chung đều đúng tiến độ và đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển - xã hội của Quảng Nam. Đặc biệt, Dự án Thuỷ điện Sông Bung 2 càng khẳng định tầm quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, đưa kinh tế khu vực biên giới phát triển hơn.
Ông Alâng Mai, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nhận định, trước đây khi chưa có dự án thủy điện, việc đi lại của người dân lên khu vực biên giới gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi Dự án Thuỷ điện Sông Bung 2 triển khai, hệ thống giao thông phục vụ công trình dài 22 km đã tạo thuận lợi rất nhiều cho việc giao thương kinh tế, đi lại và đời sống của người dân được cải thiện đáng kể.
“Đó là chưa kể, việc chủ đầu tư đề xuất với tỉnh phương án giải tỏa đền bù theo hình thức giao trực tiếp UBND huyện Tây Giang triển khai bằng tiền của chủ đầu tư đã đáp ứng nguyện vọng của người dân, góp phần đáng kể cho việc triển khai dự án tốt hơn”, ông Alâng Mai nói.
Trong niềm hân hoan trước ngày chặn dòng, ông Sơn tự tin khẳng định: “Kế hoạch năm 2013 với nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thành đập dâng với cao trình 561 m sẽ chắc chắn được hoàn thành”.