Thành phố Cần Thơ đang thực hiện dự án phát triển nuôi thủy sản đến năm 2020 thành ngành kinh tế mũi nhọn phục vụ xuất khẩu.
Theo kế hoạch, Cần Thơ phân vùng nuôi thành hai tiểu vùng chính. Tiểu vùng 1 bao gồm huyện Thốt Nốt, một phần huyện Vĩnh Thạnh và các cồn trên sông Hậu sẽ chuyên nuôi tôm càng xanh, cá tra, ba sa, cá đồng, cá lồng bè trên diện tích 16.000ha.
Tiểu vùng 2 bao gồm các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Phong Điền và một số quận sẽ chuyển sang nuôi cá da trơn, cá đồng trên diện tích 10.000ha. Loại hình nuôi là nuôi chuyên, nuôi kết hợp hoặc luân canh tôm-lúa hoặc lúa-cá.
Dự kiến đến năm 2014, Cần Thơ đạt sản lượng 221.000 tấn và nâng lên 269.000 tấn vào năm 2016 để đến năm 2020 đạt 335.000 tấn.
Hiện dẫn đầu về sản lượng thủy sản là các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thốt Nốt.
Để đáp ứng nhu cầu giống, từ nay đến năm 2015 , Cần Thơ xây dựng xây dựng trung tâm giống thủy sản cấp 1 tại xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, có khả năng cung cấp từ 2 tỷ con giống mỗi năm gồm cá tra, ba sa, rô đồng, bống tượng, rô phi, sặc rằn, trê lai, tôm càng xanh cùng hàng chục trại giống khác, có năng lực cung ứng 1,8 tỷ con giống mỗi năm cho người nuôi tại địa phương và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Để bảo đảm mục tiêu nuôi trồng đến năm 2020 thắng lợi, Cần Thơ chú trọng ba giải pháp: khoa học công nghệ, khuyến ngư, hợp tác quốc tế.
Cần Thơ đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong thâm canh nuôi thủy sản, sản xuất giống sạch, thực hành công nghệ nuôi sạch theo quy định của Bộ Thủy sản; áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chế biến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và thương hiệu mặt hàng thủy sản; chuyển giao các công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải trong nuôi trồng.
Cần Thơ thực hiện chương trình tập huấn, mô hình trình diễn đến tận xã ấp, hướng dẫn nông dân nuôi theo quy định GAP, SGF 1000 CM, bảo đảm an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, ISO.
Từ nay đến năm 2015, Cần Thơ sẽ xây dựng thêm 10 nhà máy, tổng công suất 122.000 tấn/ năm, đến năm 2020 sẽ xây dựng sáu nhà máy nữa.
Đến thời điểm này tổng công suất chế biến của địa phương là 192.000 tấn/năm. Sản lượng chế biến xuất khẩu đến năm 2015 đạt 120.000 tấn, năm 2020 đạt 160.000 tấn.
Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là tôm đông IQF, các dạng sản phẩm HLSO, HOSO, PUD, PD, các mặt hàng tôm giá trị gia tăng như Sushi, Nobashi, tôm tẩm bột chiên, tôm bao bột, há cảo, chả giò...
Sản phẩm cá xuất khẩu là cá dạng thỏi đông IQF, cá xẻ bướm đông, cá phi lê dán bột, cá phi lê tẩm bột, khô cá tra phồng và nhiều sản phẩm chế biến từ cá rô phi, thác lác, mực...
Cần Thơ phấn đấu đến năm 2015 xuất khẩu thủy sản đạt 800-900 triệu USD. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ./.