Đầu tư vào Ninh Bình: Ưu tiên cải thiện nguồn nhân lực

09:33, 04/12/2012

Dù có nhiều thế mạnh trong thu hút đầu tư, song Ninh Bình cũng thẳng thắn thừa nhận một điểm yếu của mình, đó là chất lượng đội ngũ lao động chưa theo kịp với yêu cầu.

Nhà máy sản xuất cần gạt nước ô tô của Công ty ADM21 Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) đặt tại Khu công nghiệp Khánh Phú, Ninh Bình vừa xuất xưởng những sản phẩm đầu tiên sau 4 năm đầu tư xây dựng.

Tuy vậy, với số vốn đã giải ngân là 26 triệu USD trong kế hoạch đầu tư là 32 triệu USD, công suất của nhà máy vẫn chưa thể đạt được 50 triệu sản phẩm/năm như mục tiêu ban đầu của Dự án.

Ông Ju Weon Kim, Giám đốc Công ty ADM21 Việt Nam thẳng thắn nhận xét, cái khó là trình độ tay nghề của người lao động tại Ninh Bình chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất  cần gạt nước ô tô của Công ty. Công ty ADM21 hiện đứng ở vị trí thứ 3 thế giới về cung cấp sản phẩm này. “Chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư vào Ninh Bình, bởi lợi thế về địa lý, diện tích đất đai và quan trọng là sự ủng hộ của chính quyền địa phương trong các thủ tục liên quan đến đầu tư”, ông Ju Woen Kim nói và cũng đặt kỳ vọng vào sự hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực của chính quyền địa phương để các kế hoạch sắp tới của Công ty được thực hiện đúng cam kết.

Không phải chỉ trong lĩnh vực công nghiệp, mà ngay cả lĩnh vực dịch vụ, du lịch vốn được cho là thế mạnh lớn của Ninh Bình cũng đang vướng phải những trở ngại nhất định từ chất lượng nguồn lao động tại chỗ. Ngay trong phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Bình vừa được tổ chức cuối tuần qua tại Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cũng đã không ngần ngại phê bình chất lượng của đội ngũ lao động đang làm việc tại một số cơ sở lưu trú khá có tiếng tại Ninh Bình mà Bộ trưởng vừa tiếp xúc. “Điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến sự phát triển của ngành du lịch Ninh Bình, mà cả sự hấp dẫn của giới đầu tư vào lĩnh vực này”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói.

Thậm chí, không dừng lại ở chất lượng lao động tại chỗ, chất lượng của đội ngũ cán bộ cũng đang được UBND tỉnh Ninh Bình thừa nhận là một trong những điểm còn yếu và là lý do khiến Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Ninh Bình giảm điểm. “Đây là một trong những lý do mà chúng tôi đang lên kế hoạch đào tạo, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ một cách nghiêm túc, đi cùng với nhiều hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp trong đào tạo lao động bằng ngân sách địa phương”, ông Đinh Quốc Trị, Phó chủ tịch UBDN tỉnh Ninh Bình cho biết.

Có thể thấy, ngoài rào cản về chất lượng lao động, thì địa điểm thuận lợi trong giao thông, phục vụ vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm, diện tích đất sạch đã được chuẩn bị tại các khu công nghiệp của Ninh Bình đang là lợi thế rất lớn trong thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, kinh doanh trong nước và nước ngoài.

Ông Harima Naoki, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam (doanh nghiệp vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy luyện cán thép chất lượng cao, với tổng vốn đầu tư 3.872 tỷ đồng) cũng đã tự tin khẳng định kế hoạch khởi công xây dựng Dự án ngay trong năm nay, để đến năm 2014, nhà máy sẽ đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch.

Tương tự, ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Happy Land Ninh Bình, chủ đầu tư vừa ký kết bản ghi nhớ với UBND tỉnh Ninh Bình về kế hoạch đầu tư Dự án Vui chơi giải trí Ninh Bình Happy Land, với tổng mức đầu tư dự kiến là 2.500 tỷ đồng, cũng không ngần ngại lên kế hoạch khởi công vào năm 2013.