Sự hợp tác giữa Semen Gresik, tập đoàn xi măng lớn nhất Indonesia và Geleximco, một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam sẽ đưa Xi măng Thăng Long trở thành nhà sản xuất xi măng lớn tại Việt Nam trong tương lai.
Không dễ để thuyết phục Semen Gresik đầu tư 70% cổ phần, trên cơ sở giá trị doanh nghiệp được định giá là 335 triệu USD, vào Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long, nếu doanh nghiệp không có tiềm năng thực sự. Sẽ càng ý nghĩa hơn khi hợp tác giữa Semen Gresik và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Nhằm khai thác tiềm năng thị trường Việt Nam và thỏa mãn sự thiếu hụt nguồn cung tại thị trường Indonesia, đồng thời thực hiện chiến lược phát triển thành tập đoàn sản xuất xi măng hàng đầu Đông Nam Á, Semen Gresik đã chủ động tìm đến Xi măng Thăng Long.
Ngoài thiện chí của bên mua, cũng không thể không nói đến những lý do quan trọng khác khiến thương vụ này thành công, đó là sự tích cực, năng động và quyết đoán của Ban lãnh đạo Geleximco - bên bán và sự đóng góp không nhỏ của các đơn vị tư vấn là JP Morgan (S.E.A) Ltd - tư vấn tài chính độc quyền cho Semen Gresik; Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán An Bình (ABF) - tư vấn tài chính độc quyền cho Geleximco trong quá trình tìm hiểu, thương thảo và đàm phán.
Nhờ vậy, chỉ sau 4 tháng, ngày 14/11/2012, hai bên đã ký thỏa thuận mua bán có điều kiện. Ngày 18/12/2012, sau khi hoàn tất các điều khoản quan trọng, hai bên đã chính thức ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, đóng lại một thương vụ được đánh giá là ấn tượng nhất trong lĩnh vực mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) của Việt Nam trong năm 2012.
“Chúng tôi lạc quan rằng, hợp tác này sẽ đưa Semen Gresik phát triển, giúp Tập đoàn tăng sức cạnh tranh và đem lại giá trị to lớn cho cổ đông trong dài hạn”, ông Dwo Soetjipto, Tổng giám đốc Semen Gresik cho biết.
Đối với Xi măng Thăng Long, sự tham gia của Semen Gresik sẽ giúp Công ty có sự gia tăng mạnh mẽ về năng lực tài chính (vốn điều lệ tăng từ 1.750 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng), đội ngũ quản lý, thương hiệu, khả năng tăng doanh thu và lợi nhuận. Quan trọng hơn, hai bên sẽ hợp tác mở rộng dây chuyền 2 của Nhà máy Xi măng Thăng Long và đầu tư xây dựng Nhà máy An Phú tại Bình Phước. Năm 2016, hai nhà máy này sẽ đi vào hoạt động, đưa tổng công suất của Xi măng Thăng Long lên 6,3 triệu tấn/năm.
Từ thương vụ ấn tượng này, có thể thấy, dù nền kinh tế nói chung đang gặp khó khăn, nhưng những doanh nghiệp Việt Nam hoạt động hiệu quả, chăm chút cho phát triển bền vững vẫn có thể tự tin trong việc tìm kiếm và đàm phán với đối tác chiến lược. Vì vậy, cao hơn những giá trị tài chính đơn thuần, thương vụ là một điểm sáng trên bức tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam năm 2012.