Chiều 17/12, tại TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Lâm đồng đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Lâm Đồng. Hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp trong nước đã tham dự.
Lâm Đồng thuộc khu vực Nam Tây Nguyên, có diện tích khoảng 9.764 km2, độ cao từ 800-1500 m so với mực nước biển, dân số trên 1,2 triệu người.
Với ưu thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, Lâm Đồng là địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch với các loại hình như du lịch tham quan, du lịch giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch dưới tán rừng, du lịch vườn, du lịch văn hoá - thể thao… Ngoài ra, Lâm Đồng còn có những thế mạnh khác như tiềm năng về khoáng sản với 289 mỏ và điểm quặng của hơn 30 loại khoáng sản khác nhau trong đó lớn nhất là trữ lượng về Bô xít; thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với những vùng cây trồng nổi tiếng như rau, hoa, chè, cà phê…
Về giáo dục, tỉnh đã có đầy đủ các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, các viện nghiên cứu tầm cỡ quốc gia và quốc tế, hàng năm cung cấp hơn 15.000 lao động có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động cho các nhà đầu tư trong tỉnh và khu vực.
Hiện tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành quy hoạch phát triển, theo đó xây dựng Đà Lạt thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng; thành phố Bảo Lộc là trung tâm công nghiệp chế biến nông, lâm, khoáng sản của tỉnh; phát triển hành lang kinh tế quốc lộ 21 gắn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hành lang quốc lộ 27 gắn với các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định, ngoài chính sách ưu đãi đầu tư do Chính phủ qui định, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nghề; hỗ trợ lãi suất cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến nông lâm sản, thương mại và du lịch, hỗ trợ xúc tiến đầu tư…
Tỉnh cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ nhà đầu tư. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng; coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện tốt quy trình một cửa liên thông; tạo điều kiện tối đa về đất đai, tiếp cận nguồn vốn, giải phóng mặt bằng…
Tại hội nghị, các nhà đầu tư đã được giới thiệu 48 dự án về cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, dịch vụ du lịch và thương mại, nông nghiệp, hạ tầng đô thị mà tỉnh Lâm Đồng mời gọi đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2012 - 2015 như: Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đường vành đai thành phố Đà Lạt, khu Trung tâm Văn hóa - Thể thao, khu Công nghệ thông tin tập trung, chợ và sàn giao dịch hoa Liên Khương, công viên hồ Nam Phương, các khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng…